Tây Bắc ứng phó khẩn cấp với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

GD&TĐ - Các tỉnh khu vực Tây Bắc đang gấp rút triển khai Công điện 640, đảm bảo an toàn trường học và kỳ thi lớp 10 trong bối cảnh mưa lũ bất thường.

Trận mưa lũ năm 2024, khiến điểm trường Co Tang (xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) bị ngập nước.
Trận mưa lũ năm 2024, khiến điểm trường Co Tang (xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) bị ngập nước.

Chủ động bảo vệ học sinh trước kỳ thi lớp 10

Trước nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất và lũ quét tại nhiều địa phương Bắc Bộ, đặc biệt trong hai ngày cao điểm 28–29/5 là thời điểm tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công điện 640/CĐ-BGDĐT yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo ứng phó kịp thời, không để xảy ra thiệt hại về người và cơ sở vật chất giáo dục.

img-1748336546445-1748336559501.jpg
Thầy cô và nhân dân địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Tại tỉnh Điện Biên, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng giáo dục các huyện, thị xã và thành phố triển khai các phương án cụ thể. Công văn nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không tổ chức sinh hoạt hè tại những điểm trường có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đồng thời bố trí lực lượng trực 24/24 để xử lý các tình huống phát sinh. Công tác vệ sinh, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo vệ hồ sơ thi, trang thiết bị, phòng thi… được đẩy mạnh nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

img-1748336530102-1748336546992.jpg
Trận lũ quét xảy ra bất ngờ tại xã Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) vào tháng 8/2020 khiến nhiều cơ sở vật chất, trường lớp học bị ảnh hưởng.

Linh hoạt ứng phó tại điểm nóng mưa lũ

Tại Sơn La, nơi thường xuyên xảy ra lũ ống, sạt lở trong mùa mưa, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học theo dõi sát sao tình hình thời tiết, chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học nếu khu vực có nguy cơ cao. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, tại các huyện vùng cao như Bắc Yên, trường học được yêu cầu có phương án sơ tán học sinh, di dời tài sản lên nơi cao ráo, an toàn.

ung-pho-mua-lu-truong-hoc-1.jpg
Một phòng bán trú của học sinh trường THCS xã Tạ Khoa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) bị ngập úng (Hình tư liệu).

Đặc biệt, Trường THCS Tạ Khoa (huyện Bắc Yên) từng hai lần hứng chịu lũ quét lịch sử do vị trí nằm ngay ven suối, thấp hơn mặt đường QL37. Ông Vũ Ngọc Tiếm – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Mỗi khi mưa lớn, nước suối tràn vào trường gây ngập khu bán trú, bếp ăn, nhà công vụ. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi chủ động lên kế hoạch phối hợp với chính quyền bố trí học sinh bán trú tạm thời ở nhờ nhà dân, đồng thời chủ động di chuyển thiết bị dạy học lên nơi cao”.

z6643837627846-6be93b2c268862f2d155fdadc3acd89e.jpg
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Mường Khoa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) triển khai hội nghị phòng, chống mưa lũ.

Tại Hòa Bình, chính quyền và ngành giáo dục các huyện vùng cao như Đà Bắc, nơi từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 năm ngoái cũng đã chủ động lên phương án di dời, bảo vệ học sinh. Ông Đỗ Đức Thành – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc nhấn mạnh, việc theo dõi thời tiết, phát cảnh báo sớm và phối hợp với phụ huynh là yếu tố then chốt giúp đảm bảo an toàn.

Nhiều tầng ứng phó, cảnh báo động đất đi kèm mưa lũ

z6644217903186-5a0b9ab92a1f3c58143ef231d28159c5.jpg
Trường Mầm non xã Đoàn Kết (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) bị lũ cuốn sập 2 phòng học , 1 nhà bếp tại điểm trường chính.

Không chỉ đối mặt với mưa lớn, từ ngày 16/5, trên địa bàn huyện Mường Chà (Điện Biên) đã ghi nhận một trận động đất có cường độ khoảng 5,0 độ Richter. Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo rà soát, gia cố ngay các công trình trường học có dấu hiệu rạn nứt, đảm bảo không xảy ra hậu quả thứ cấp.

Sở cũng yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục cập nhật phương án ứng phó thiên tai, sẵn sàng sơ tán học sinh trong trường hợp có nguy cơ lũ quét, sạt lở. Phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” tiếp tục được kích hoạt nhằm ứng phó hiệu quả mọi tình huống có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ