(GD&TĐ)- Sáng nay (7/1) tại tỉnh Hòa Bình, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH đã phối hợp tổ chức “Hội nghị phát triển GD-ĐT, dạy nghề vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2012-2020”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, các Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH, Bộ Tài Chính và Bộ Kế hoạch và Đầu Tư; lãnh đạo chính quyền, Sở GD-ĐT, LĐTB-XH các tỉnh Trung du, miền núi Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An…
GD-ĐT vùng khó đã có bước phát triển vượt bậc
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận Hội nghị. Ảnh, gdtd.vn |
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Trong những năm qua, mạng lưới trường, lớp học các cấp học từ giáo dục MN đến phổ thông tăng nhanh, phủ khắp các xã của các địa phương trong vùng. Hiện nay, toàn vùng có 2.895 trường học MN.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trong vùng được các địa phương chú trọng, làm tốt nên tỉ lệ trường chuẩn quốc gia của vùng cao hơn so với bình quân chung cả nước. Các tỉnh trong vùng đều đã phê duyệt Đề án hoặc Kế hoạch PCGDMN 5 tuổi; Các tỉnh đã hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN 5 tuổi trong năm 2012 là Hoà Bình, Phú Thọ; đến nay đã có 1.287/2.627 xã/phường được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN năm tuổi, đạt tỷ lệ 49%. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng lên, quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn bán trú, chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.
Ở bậc học phổ thông có 6.454 trường học, cơ sở giáo dục với tổng 2.335.959 học sinh (năm học 2011-2012). Các tỉnh trong vùng đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; tuy nhiên khó khăn của giáo dục tiểu học ở đây là tồn tại nhiều điểm trường cách xa trường chính, do dân cư phân tán và thiếu quĩ đất xây dựng, địa hình núi cao.
Để đầu tư cơ sở vật chất, công trình vệ sinh, nước sạch, thiết bị một cách đồng bộ nhằm tăng tỷ lệ học sinh tiểu học được học cả ngày, trong điều kiện trường, lớp phân tán đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Giáo dục THCS tuy đã cơ bản đạt được các chỉ tiêu chính về phát triển giáo dục THCS, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, nhưng ở các địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn kết quả phổ cập giáo dục THCS chưa vững chắc, còn tiềm ẩn nguy cơ mất chuẩn. Đối với THPT, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi còn thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao.
Năm học 2011-2012, toàn vùng có 127 trường PTDTNT với gần 33.000 học sinh; 246 trường PTDTBT với 44.738 học sinh; các chính sách ưu tiên của Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo đã tác động tích cực đến việc huy động học sinh dân tộc thiểu số đến trường;
Về Giáo dục nghề nghiệp, toàn Vùng có 95 cơ sở, trường TCCN với 79.682 học sinh, tăng 32,6% so với năm 2006, 241 cơ sở dạy nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của Vùng đạt gần 25%.
Ảnh, gdtd.vn |
Hiện toàn vùng có tỷ lệ xã, phường, thị trấn có Trung tâm HTCĐ là 2.488/2.541, đạt 97,9% (cả nước là 96,27%), tăng 643 trung tâm so với năm 2006; có 56 trường ĐH, CĐ: 14 trường đại học, 42 trường cao đẳng, với 133.780 sinh viên. Các trường ĐH, CĐ phát triển theo hướng đa ngành, đa cấp, tổ chức quá trình đào tạo tương đối linh hoạt. Một số trường đã khẳng định được uy tín trong xã hội, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội chung của cả nước và của vùng.
Cần tiếp tục đầu tư CSVC, thiết bị cho GD-ĐT
Ý kiến của các địa phương trong vùng tại hội nghị tập trung vào việc kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp học, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi cho bậc học MN và bậc học phổ thông các cấp; mà cụ thể là tiếp tục đầu tư Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới để các địa phương có thêm nguồn lực cải tạo hệ thống phòng học đã xuống cấp, cũ nát; trong các chương trình mục tiêu và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, Chính phủ cần ưu tiên, hỗ trợ nguồn lực đầu tư cho các tỉnh khó khăn này cao hơn nữa;
Liên quan đến đời sống của học sinh và giáo viên, các tỉnh đề nghị: được triển khai các dự án kí túc xá nhỏ cho các trường CĐ dạy nghề, quan tâm đầu tư nhà ở công vụ cho giáo viên, nhà ở bán trú, nội trú cho học sinh; Liên Bộ kế hoạch đầu tư, Tài chính trong thời gian tới cần hỗ trợ đủ và kịp thời các nguồn hỗ trợ tiền ăn, cho học sinh nội trú, bán trú để các đối tượng này không bị đứt bữa trong quá trình học. Trên thực tế nhiều năm trở lại đây, tại các tỉnh trong vùng có thời gian do chậm giải ngân nguồn hỗ trợ tiền ăn nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc phải ứng trước tiền ăn cho các em.
Cần có nhiều hướng dẫn dưới Luật dạy nghề để các cơ sở đào tạo gắn kết được với các doạnh nghiệp, nơi trực tiếp sử dụng lao động. Có cơ chế chính sách dài hơi phát triển GD-ĐT, dạy nghề, quan tâm đầu tư phát triển ĐH Thái Nguyên hơn nữa để xứng tầm với một đại học của vùng…
Đề nghị Chính phủ có chủ trương nhất quán trong phát triển mạng lưới trường lớp học, không để tình trạng phòng học xây dựng dở dang do hết vốn của Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn, giảm bớt những khó khăn trong dạy và học của giáo viên và học sinh do không có phòng học.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại hội nghị. Ảnh, gdtd.vn |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: So với 5 năm trước đây, GD-ĐT của vùng đã có bước chuyển rõ rệt cả về chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn, tuy nhiên do xuất phát điểm thấp nên đây vẫn là vùng trũng về GD-ĐT so với các vùng miền khác trên cả nước.
Để đưa chất lượng giáo dục vùng này lên cao, trách nhiệm này không chỉ của riêng ngành giáo dục mà của cả các ban ngành, đoàn thể khác cùng vào cuộc; đồng thời, để làm được điều đó, phải kiên trì, và dài lâu. Trước mắt, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị các địa phương trong vùng tập trung vào các nhiệm vụ: đẩy mạnh dạy tiếng Việt cho học sinh là con em các dân tộc thiểu số.
Tập trung các nguồn lực để tăng cường năng lực cho các trường Phổ thông dân tộc nội trú, trường Phổ thông dân tộc bán trú, chăm lo đến đười sống nội trú cho học sinh; Các địa phương rà soát lại nhu cầu nhân lực của mình để lên kế hoạch cho công tác cử tuyển. Tuy nhiên phải theo đúng tinh thần hỗ trợ cuả Bộ GD-ĐT ưu tiên các vùng, miền khó khăn để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, tránh tình trạnh lạm dụng chính sách này của Bộ, sinh viên cử tuyển ra trường không có việc hoặc không trở lại địa phương làm việc.
Một số địa phương xin thành lập trường ĐH trực thuộc tỉnh, tuy nhiên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, Bộ GD-ĐT chỉ cho phép thành lập trường trên cơ sở địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn về kinh phí hoạt động.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đề nghị Chính phủ, liên Bộ tài chính, Kế hoạch & Đầu tư và các địa phương tìm giải pháp tháo gỡ chế độ phụ cấp thu hút cho giáo viên ở lại, gắn bó với giáo dục vùng khó.
Tiếp tục khắc phục khó khăn để phát triển GD-ĐT, dạy nghề
Phát biểu kết luận Hội Nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm rất lớn đến phát triển GD-ĐT, dạy nghề cho vùng. Đã tập trung đầu tư CSVC, đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, mạng lưới trường học các cấp từ giáo dục MN, phổ thông đến TCCN, CĐ-ĐH đã phát triển, phủ khắp góp phần đào tạo nhân lực tại chỗ cho các tỉnh trong vùng. Tuy nhiên để đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế vùng, công tác GD-ĐT, dạy nghề ở đây còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Ảnh, gdtd.vn |
Đó là: Hệ thống trường lớp tuy đã được đầu tư nhưng tình trạng thiếu phòng học, phòng học tạm bợ, dột nát vẫn chưa được khắc phục, nhiều thôn bản vẫn trắng lớp mẫu giáo, điều kiện ăn ở bán trú của học sinh còn khó khăn; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng được bổ sung nhưng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, đời sống của giáo viên còn nhiều khó khăn chưa yên tâm công tác giảng dạy;
Tỉ lệ hộ nghèo trong vùng còn cao, ý thức của người dân cũng như các điều kiện dành cho con em học tập còn nhiều hạn chế, những bất cập về nội dung, chương trình học ngôn ngữ, các cơ sở giáo dục, dạy nghề phân bố trên diện rộng; việc ban hành cơ chế chính sách trong giáo dục, dạy nghề còn nhiều bất cập, hướng dẫn tổ chức thực hiện chưa đầy đủ, bố trí nguồn lực chưa tương xứng chưa phù hợp; các tiêu chuẩn định mức ngân sách chưa phù hợp với đặc thù của các tỉnh vùng cao;
Tổ chức tuyển sinh đào tạo và dạy nghề chủ yếu xuất phát từ nhiệm, vụ, chức năng của ngành giáo dục, chưa có được một chiến lược phát triển nguồn nhân lực chung của vùng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nên tỉ lệ học sinh có việc làm, phát huy kiến thức sau ra trường tạo thu nhập chưa được cao…
Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong thời gian tới: lãnh đão các cấp ủy Đảng, chính quyền của các địa phương trong vùng Trung du, miền núi phía Bắc cùng Thanh Hóa, Nghệ An phải thực sự đặt “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu” trong việc thực hiện kế hoạch hàng năm; để từ đó ưu tiên chính sách, nguồn lực tập trung cho công tác GD-ĐT, dạy nghề.
Trong thời gian tới, để công tác GD-ĐT, dạy nghề phát triển góp phần đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo tại các địa phương Phó thủ tướng Đề nghị: các tỉnh trong vùng tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết TƯ 6 về GD-ĐT, dạy nghề tại địa phương.
Tiếp tục củng cố hệ thống giáo dục mầm non, nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực các trường Phổ thông dân tộc nội trú, đẩy mạnh xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi cho học sinh vùng cao;
Hoàn thiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương gắn với tư duy giáo dục miền núi mới để thúc đẩy công tác GD-ĐT, dạy nghề phát triển; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp học gắn với khu dân cư, phát huy năng lực mạng lưới các trường phổ thông, cải tiến công tác kiểm tra đánh giá cho sát với tình hình thực tiễn để tạo nguồn cho công tác GD-ĐT, dạy nghề.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý thành lập thêm 2 trường Đại học trong vùng; giao Bộ GD-ĐT phối hợp, nghiên cứu xây dựng, đặt địa điểm tại địa phương phù hợp vào thời điểm thích hợp.
Bá Hải