Ý tưởng này giờ đây không còn là giấc mơ và đang được các hãng công nghệ dần hiện thực hóa.
Theo Bloomberg Businessweek, trong một phát biểu năm ngoái, nhà đồng sáng lập Google chia sẻ tham vọng của hãng này với máy bay chở khách tự động và cho rằng ý tưởng này vẫn luôn được nung nấu trong giới công nghệ.
Những dự án ấp ủ
Đầu tuần này, Uber Technologies Inc. tiết lộ dự án phát triển xe điện bay với sự hợp tác của 5 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Mục đích của dự án này là phát triển phương tiện "xe bay" và cung cấp dịch vụ bắt "taxi bay" với giá phải chăng. Hãng này dự kiến tiến hành thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2020 tại Dallas và Dubai - nơi thường tắc nghẽn bởi lượng xe hơi quá lớn.
Tháng 10 năm ngoái, Uber cho phát hành sách trắng nói về khả năng của những chiếc máy bay cất cách và hạ cánh thẳng đứng, và khẳng định nhu cầu đi lại bằng phương tiện bay trong nội vi thành phố.
Bất chấp những khó khăn và những câu hỏi còn bỏ ngỏ về các yếu tố như vật lý, tính an toàn, chi phí, nhiều hãng công nghệ và nhà sản xuất vẫn háo hức với ý tưởng này. Nhà sản xuất máy bay Bell Helicopter của Textron Inc. cho rằng ý tưởng này sẽ là tiền đề cho dòng máy bay thế hệ mới, ban đầu sẽ là động cơ hỗn hợp trước khi chuyển thành động cơ hoàn toàn bằng điện.
Embraer SA, sản xuất cả máy bay quân sự và dân sự giống Bell, cũng hi vọng trong tương lai sẽ được sản xuất loại phương tiện bay này với hệ thống kiểm soát bay tiên tiến, cho phép bay tự động không cần phi công.
Tháng trước, Airbus cũng công bố mô hình "taxi bay" mang tên "Pop.Up" với kỳ vọng có thể chấm dứt nạn ùn tắc giao thông. Đây là hệ thống dạng module gồm một khoang chở khách hai chỗ có thể lắp lên khung gầm 4 bánh, đồng thời có khả năng sử dụng động cơ cánh quạt như flycam để di chuyển khi các con đường bị tắc nghẽn, theo Wired.
Tuy nhiên, Airbus khẳng định Pop.Up sẽ không được triển khai trước giai đoạn 2024-2027.
Trước đó, hồi tháng 2, theo công bố của Cơ quan giao thông đường bộ Dubai, thành phố sẽ bắt đầu vận hành taxi bay dọc theo các lộ trình vạch trước từ hè thàng 7/2017, Techcrunch đưa tin.
Thành phố sẽ sử dụng mẫu xe điện tự động Ehang 184 để đưa mọi người đi lại trên không trung, theo New York Times. Chiếc máy bay có thể chở hành khách nặng tối đa 100 kg qua quãng đường 50 km trong một lần sạc, ở tốc độ tối đa 160 km/h.
Còn nhiều thử thách
Dù ý tưởng đưa "taxi bay" giờ đây không còn xa vời nữa nhưng vẫn cần phải đạt được các điều kiện tiên quyết như về cơ sở pháp lý và kỹ thuật trước khi có thể bắt "taxi" ngay trên nóc nhà, Cục Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) cho biết đang nghiên cứu hệ thống tự động hóa cho thiết bị bay không người lái.
"Cần phải có nghiên cứu sâu hơn nữa, đặc biệt là để xác định những rủi ro trong hoạt động, đảm bảo bay tự động một cách an toàn và tương tác hợp lý với hệ thống kiểm soát không lưu", FAA cho biết trong một thông cáo.
Điều cuối cùng khiến FAA bận tâm là làm sao để đưa những chiếc máy bay này vào không phận Mỹ? Đây là vấn đề khá phức tạp bởi hiện các máy bay thương mại chở hàng đang gặp nhiều khó khăn với các nhà làm luật.
Mọi máy bay có thiết kế mới đều cần phải có những tiêu chuẩn, quy định mới và chứng nhận của chính phủ cho những tiêu chuẩn đó. Đồng thời, trước khi đưa vào thực tế, chúng phải được thử nghiệm rất nhiều lần.
Nhiều năm nay, công nghệ pin đang ngày càng tiên tiến, trở nên nhỏ và nhẹ hơn, hai yếu tố thiết yếu cần cho một thiết bị cất và hạ cánh theo chiều dọc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công ty nào chế tạo được chiếc máy bay theo ý tưởng của Uber, cũng chưa có chiếc nào chạy bằng pin chở được 3 - 4 người.
Ngoài ra, các tòa nhà nơi đặt điểm đỗ cũng sẽ quan tâm tới những phức tạp khi có nhiều người đến và đi từ nóc nhà họ. Nhiều tòa nhà thậm chí phải sửa sang lại mái để đáp ứng điều kiện thành điểm cất/hạ cánh.
"Chưa biết tiến trình này sẽ tiến triển nhanh cỡ nào nhưng chúng ta đang thực sự có nhu cầu", đại điện của Uber và Bell nhận định.