Hiện tại, ông Trân đã có hợp đồng với một công ty du lịch của Malaysia xuất khẩu 5 chiếc tàu ngầm Yết Kiêu phiên bản 2 người lái để phục vụ việc lặn biển thăm quan các rặng san hô trong khu bảo tồn của quốc gia này. Dự kiến sẽ xuất khẩu trong tháng tới.
Tiếp đến, ông Trân đang đấu thầu một thiết bị tàu mẹ gồm khoang chứa 4 tàu ngầm mini. Theo thuyết minh của nhà sáng chế, tàu mẹ sẽ đưa tàu con và du khách từ bến cảng đến địa điểm tham quan, sau đó du khách vào tàu ngầm và được hạ thủy bằng hệ thống thang máy. Khi kết thúc hành trình, các tàu con sẽ lần lượt được định vị và đưa trở lại khoang tàu cũng bằng hệ thống này.
Ông Trân cho biết, một chiếc tàu mini có giá 3.500 USD, là không quá đắt. Lý giải vì sao có giá như vậy, chủ nhân của tàu ngầm Yết Kiêu chia sẻ: “Với giá này vẫn đảm bảo tôi có lãi, nhưng lãi không cao, bởi tôi làm việc qua bên trung gian, vẫn cần phải chia hoa hồng cho họ. Tiếp đến là phải cạnh tranh giá với một số mẫu tàu ngầm của Mỹ và Trung Quốc. Do đó buộc phải hạ giá.
Tuy nhiên giá thành này sẽ được đảm bảo lãi lớn nếu công ty của Malaysia sau khi khai thác hiệu quả sẽ đầu tư thêm 20 chiếc, nâng tổng số thành 25 chiếc. Vì tàu của tôi làm bằng chất liệu composite, do đó một khuôn đúc có thể sử dụng nhiều lần, làm càng nhiều sẽ càng có lãi”.
Liên tiếp được chú ý
Theo thông tin từ ông Phan Bội Trân, sau hợp đồng tàu ngầm phiên bản du lịch, ông nhận được lời mời của một trung tâm giải trí cho trẻ em của Malaysia (do nước Anh đầu tư) đưa mẫu tàu Yết Kiêu 01 sang triển lãm tại đây.
Trung tâm giải trí này có đặc thù đào tạo kỹ năng sống cho trẻ, họ có những mô hình máy bay, xe cứu hỏa, tàu hỏa… với kích thước gần như tương đương, để từ đó trẻ em thăm quan, học tập với phương pháp trực quan.
Tàu ngầm Yết Kiêu sẽ triển lãm ở đó cùng với các sáng chế xe điện 2 bánh, 3 bánh, 4 bánh đã được đăng ký bản quyền sáng tạo tại Pháp của ông Phan Bội Trân.
Nếu trung tâm thương mại này khai thác thành công, ông Phan Bội Trân sẽ có hợp đồng xuất khẩu một phiên bản mới với chiều dài 5 m, đi kèm hồ chứa tham quan. Hồ chứa này được chế tạo bằng gỗ ván tráng nhựa, cũng là sản phẩm trí tuệ của ông.
Ngoài ra, công ty điện lực Malaysia đang đánh tiếng việc mua tàu ngầm Yết Kiêu nhưng cần đảm bảo khả năng lặn sâu 100 m để phục vụ việc lắp đặt, định vị hệ thống cáp điện xuyên biển của họ. Đây là một hợp đồng lớn và ông Phan Bội Trân đang cần tập trung rất nhiều cho lần đấu thầu này.
Vì sao Việt Nam không làm được như Malaysia?
Malaysia có thể tận dụng được sản phẩm trí tuệ của người Việt, trong khi đó bản thân Việt Nam lại không tận dụng được, phóng viên đã nhanh chóng nhận được sự lý giải từ ông Phan Bội Trân:
“Cần phải nhìn nhận rằng Malaysia đang phát triển hơn chúng ta. Ví dụ như trong các khu du lịch của họ, vì sao họ có thể lặn biển ngắm san hô được, vì họ có chế tài rất nghiêm ngặt cho việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh cảnh ở khu bảo tồn. Người dân của họ cũng ý thức rất tốt về điều đó. Họ có những sự tự giác mà người Việt chúng ta chưa có được. Đó là yếu tố khách quan.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng của Malaysia cũng tiến bộ hơn, hiện đại hơn. Họ có những quy chuẩn cho khu bảo tồn, khu du lịch và trong đó chỉ có hoạt động dịch vụ, vì thế mới có thể đưa tàu ngầm mini tới lặn để thám hiểm”.
Ông Phan Bội Trân cho biết thêm: “Tâm lý của nước ta là chuộng hàng ngoại, thôi thì hy vọng Malaysia làm thành công, các doanh nghiệp và các cấp quản lý sẽ có những biện pháp tiếp thu.
Chúng ta đang quen cách làm “tạm nhập tái xuất”, tức là nhập khẩu về, gia công lại và xuất đi. Hi vọng lần này chúng ta sẽ tạm xuất tái nhập, xuất trước cho người ta làm mẫu rồi mình học hỏi kinh nghiệm của người ta cũng được”.