Quen với việc trễ hẹn
Tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức mới đây, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông có điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có chiều dài 13,05 km, gồm 12 nhà ga trên cao, 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách. Mỗi chuyến chở được 960 hành khách.
Để chuẩn bị tiếp nhận, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào cuối tháng 4/2019, Metro Hà Nội đang tiến hành 6 nhóm công việc: Hoàn thiện các hành lang pháp lý; xây dựng phương án giá vé và chính sách ưu tiên, ưu đãi cho hành khách đi lại trên tuyến; chuẩn bị về nhân lực; hoàn thiện các quy trình vận hành, bảo trì phục vụ công tác vận hành thử.
Cùng với đó, Metro Hà Nội đã phối hợp với Sở GTVT và các đơn vị liên quan xây dựng phương án kết nối xe buýt và tiếp cận cho hành khách đến các ga của tuyến. Sở GTVT đã hoàn thành phương án kết nối và báo cáo thành phố xem xét phê duyệt.
|
“Đây là dự án trọng điểm quốc gia nên Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước sẽ nghiệm thu công trình, về trang thiết bị và đào tạo nhân lực. Tuyến đường sắt đô thị này chỉ hoạt động khi đủ 2 điều kiện là có chứng chỉ an toàn hệ thống và được Hội đồng cấp Nhà nước nghiệm thu… Về thời điểm vận hành thương mại, khi nào được bàn giao, công ty sẽ sẵn sàng tiếp nhận, vận hành. Tuy nhiên, với tiến độ hiện nay, đến cuối tháng 4/2019, tuyến đường sắt này có thể thử nghiệm chở khách…”, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Metro Hà Nội thông tin.
Như vậy, theo dự kiến chỉ còn chừng 1 tháng nữa sẽ chính thức vận hành thương mại, nhưng đến thời điểm này, theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, hạ tầng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn đang ngổn ngang các hạng mục phụ trợ, chưa hoàn thiện hệ thống kết nối, nhiều nơi ngập rác; thậm chí nhiều điểm kết nối các mảng tường, cột sắt của công trình có dấu hiệu hoen gỉ, xuống cấp…
Có kịp về đích?
Dù thời gian không còn nhiều, song khu vực hạ tầng tại các ga vẫn rất ngổn ngang. Hệ thống thang máy vẫn chưa lắp ráp xong, chưa có bảng điều khiển, hệ thống bóng điện tại tầng 1 các nhà ga vẫn đang để đường điện chờ. Khu vực Depot của dự án nhiều công nhân vẫn đang tập trung thi công hệ thống đường nội bộ, hoàn thiện phần phụ trợ bên ngoài một số tòa nhà điều hành, trồng cỏ, ốp lát, lắp đặt lan can kính, khung mái che cầu thang…
Liên quan đến hạ tầng dự án có những điểm lở tường bê tông, hở đinh ốc, khẳng định với Báo GD&TĐ, đại diện đơn vị thi công cho biết: “Việc tường bị lở do chúng tôi thi công mái che để bảo vệ phần thang cuốn bên dưới. Sau khi hoàn thiện, chúng tôi sẽ sử dụng các vật liệu liên kết theo đúng phương án để đảm bảo chất lượng công trình”. Vị đại diện đơn vị thi công này cũng cho biết thêm, việc tường bị lở ra là do khoan nhồi ốc, còn phần mái che không phải hoen gỉ mà đấy là các mối hàn chưa được sơn phủ.
|
Trước đó, Phó Giám đốc phụ trách Ban QLDA đường sắt ông Vũ Hồng Phương báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, 1% còn lại gồm các hạng mục hoàn thiện công trình ga, Depot và một số hạng mục thiết bị, trong đó có hạng mục thẻ vé tự động AFC liên quan trực tiếp đến vận hành thử liên động dự án.
“Ban QLDA đang tiến hành họp giao ban hàng tuần với các đơn vị liên quan như: Sở GTVT Hà Nội, Metro Hà Nội, tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá chất lượng an toàn hệ thống; đồng thời bố trí các văn phòng tại Depot để đôn đốc thi công, nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận từng phần dự án”, ông Phương cho hay.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp thị sát một số nhà ga, kiểm tra chất lượng các đoàn tàu và kết quả vận hành thử và tình hình tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật vận hành của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.