Tàu cao tốc bị tố gây sạt lở sông Hậu

GD&TĐ - Tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Trần Đề - Côn Đảo khiến người dân hai bên bờ sông Hậu hết sức lo lắng vì sóng to gây sạt lở, hư hại xuồng ghe, ngư cụ...

Tàu cao tốc Cần Thơ - Trần Đề - Côn Đảo trên sông Hậu. Ảnh: X. Lương
Tàu cao tốc Cần Thơ - Trần Đề - Côn Đảo trên sông Hậu. Ảnh: X. Lương

Nỗi lo sạt lở, phương tiện hư hại

Tháng 7/2019, Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc đưa vào hoạt động tuyến vận tải thủy Trần Đề - Côn Đảo và ngược lại. Đến ngày 21/12/2019 doanh nghiệp này tiếp tục đăng ký hoạt động vận tải hành khách bằng tàu cao tốc, tuyến Cần Thơ - Trần Đề - Côn Đảo và ngược lại. Đây là tàu cao tốc hai thân lớn nhất Việt Nam mang tên Trưng Trắc, dài gần 47m, rộng gần 12m. Tàu chạy bằng bốn máy Rolls-Royce MTU của Đức, công suất 7.402 mã lực, tốc độ 35 hải lý mỗi giờ (60 km/giờ), hoạt động an toàn trong điều kiện sóng gió cấp 8.

Chỉ sau mấy tháng đi vào hoạt động, tàu cao tốc này khiến cho cuộc sống và việc sản xuất của người dân hai bên bờ sông Hậu thuộc các huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bị ảnh hưởng. Theo người dân, lo lắng nhất là sóng do tàu chạy gây tình trạng sạt lở thêm nghiêm trọng. Xuồng ghe, ngư cụ của người dân cũng bị ảnh hưởng do sóng to mỗi khi tàu đi qua…

Theo thông tin từ UBND huyện Kế Sách, từ khi tàu cao tốc Côn Đảo Express (thuộc Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc) bắt đầu chạy tuyến Cần Thơ - Côn Đảo làm đê của 2 ấp An Tấn và An Công, xã An Lạc Tây bị sạt lở bờ, xuồng ghe bị chìm, hư hỏng phương tiện, ngư cụ bị cuốn trôi… Cụ thể, sóng do tàu tạo ra đã làm sạt lở 37 đoạn chân đê với chiều dài khoảng 1.500m. Nó gây ra 34 vụ chìm xuồng, ghe, hư hỏng phương tiện. 11 lần lưới, ngư cụ của người dân bị cuốn trôi. Một số công trình do Nhà nước đầu tư bằng kè rọ đá đã hư hỏng, có nguy cơ sạt lở.

Trước phản ánh của người dân, đầu tháng 8, Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng có văn bản gửi Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV và Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ. Sở GTVT Sóc Trăng đề nghị hai đơn vị trên tăng cường quản lý hoạt động đối với tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Trần Đề của Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc. Phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác thẩm định phương án hoạt động tuyến Cần Thơ - Trần Đề để khắc phục tác động làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và tình hình sạt lở hai bên bờ sông Hậu thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng.

Sở GTVT Sóc Trăng cũng đã họp với các đơn vị liên quan. Sau cuộc họp, các bên thống nhất Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc tạm ngưng hoạt động tuyến Cần Thơ - Trần Đề từ ngày 4/8. Yêu cầu Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc trước khi tiếp tục hoạt động tuyến Cần Thơ - Trần Đề trở lại phải xây dựng phương án hoạt động để khắc phục tác động làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và tình hình sạt lở hai bên bờ sông Hậu thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng. Chủ động tổ chức đoàn khảo sát thực tế cùng các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để thẩm định phương án hoạt động tuyến Cần Thơ - Trần Đề.

Phần đất ven sông Hậu của ông Lưu Thanh Bình, ấp 2, Thị trấn Long Phú (Sóc Trăng) bị sóng đánh sạt lở sâu vào bên trong. Ảnh: X. Lương
Phần đất ven sông Hậu của ông Lưu Thanh Bình, ấp 2, Thị trấn Long Phú (Sóc Trăng) bị sóng đánh
sạt lở sâu vào bên trong. Ảnh: X. Lương

Khó hạn chế tốc độ

Trước phản ánh của người dân cùng Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ đã có ý kiến phản hồi. Theo văn bản do ông Huỳnh Hồng Lực, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ ký, tuyến vận tải thủy nội địa Cần Thơ - Trần Đề, Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc có đăng ký và đưa tàu Trưng Trắc (hoặc thay đổi tàu Express 36, tàu Trưng Nhị) được Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV chấp thuận hoạt động từ ngày 21/12/2019. Tại đầu bến Trần Đề (Sóc Trăng), tàu của Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc chạy nối tuyến ra Côn Đảo. Về tổ chức quản lý hoạt động trên tuyến Cần Thơ - Trần Đề - Côn Đảo do 3 cảng vụ quản lý, cấp phép.

Qua giám sát, Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ phối hợp CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng xử lý 1 chuyến chạy sai tuyến đăng ký của tàu Trưng Trắc gây thiệt hại một số phương tiện nhỏ tại khu vực cồn Mỹ Phước, cồn Lý Quyên. Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ yêu cầu Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc chỉ đạo tàu chạy đúng tuyến và hạn chế tốc độ. 

Theo Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, các thuyền trưởng đã chấp hành tốt khuyến cáo, nhưng về hạn chế tốc độ chạy tàu chưa thực hiện được. Do đây là tàu cao tốc chở khách theo tuyến cố định phải đăng ký trước lịch trình chạy tàu, bảo đảm thời gian vận chuyển hành khách giữa hai đầu bến. Luồng hàng hải Định An - Sông Hậu và luồng hàng hải Trần Đề hiện chưa có quy định về việc hạn chế tốc độ chạy tàu.

Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ đã họp với các bên liên quan, có khuyến cáo Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc có phương án chạy tàu phù hợp đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Yêu cầu thuyền trưởng cho tàu chạy với tốc độ dưới 12 hải lý/giờ trên đoạn luồng từ bến phà Đại Ngãi đến bến cảng SuperDong. Sau thời gian thử nghiệm, cơ quan chức năng xem xét, đánh giá lại tác động của sóng do tàu gây ra. Từ đó đưa ra phương án phù hợp nên tăng hay giảm tốc độ tàu. Hoặc chọn phương án hành trình trên luồng Định An - Sông Hậu nhằm tránh gây sạt lở, hư hại tài sản người dân…

Liên hệ phòng vé, nhân viên Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc cho hay, hiện tuyến Cần Thơ - Trần Đề tạm ngưng hoạt động. Còn tuyến Trần Đề - Côn Đảo vẫn hoạt động.  Theo thông tin từ công ty, lý do tạm ngưng là căn cứ theo diễn biến, tình hình dịch bệnh Covid-19 và tuân thủ theo chỉ đạo của Bộ GTVT về việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách. Còn việc người dân cho rằng, tàu chạy gây sóng lớn làm sạt lở ven bờ sông Hậu công ty không bình luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.