Tất yếu của đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Qua thực tế triển khai, cơ chế tự chủ không chỉ giúp các nhà trường phát huy được tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên… mà qua đó từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tự chủ tạo điều kiện cho các nhà trường nâng cao chất lượng giáo viên. Ảnh: Thanh Long
Tự chủ tạo điều kiện cho các nhà trường nâng cao chất lượng giáo viên. Ảnh: Thanh Long

Tự chủ tạo nên chất lượng đội ngũ

Theo TS Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cơ chế trường công tự chủ tài chính đã tạo điều kiện để trường phát huy quyền tự chủ trên nhiều phương diện như: tổ chức, nhân sự và hoạt động, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…

Và một trong những phương diện tự chủ để lại hiệu quả lớn là tự chủ trong công tác tuyển dụng nhân sự, xây dựng và phát triển đội ngũ.

TS Nguyễn Thị Thu Anh cho biết: Chất lượng cán bộ, GV, công nhân viên là nhân tố quan trọng nhất, làm nên chất lượng giáo dục và sự phát triển bền vững của nhà trường. Nhận thức sâu sắc về vai trò của công tác xây dựng đội ngũ, nhà trường đã tuyển GV theo nhiều bước.

Trước hết, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin về nhu cầu tuyển dụng; tới các khoa thuộc các trường ĐHSP để mời các sinh viên xuất sắc tham gia. Sau đó, các giáo viên dự tuyển sẽ phải làm bài test về kiến thức chuyên môn và dạy trực tiếp trên lớp học. Giám khảo là giảng viên, các chuyên gia giáo dục, các nhà sư phạm giàu năng lực và kinh nghiệm. Với quan điểm nhất quán, khoa học nên trường đã tuyển chọn được nhiều thủ khoa, á khoa của nhiều trường ĐH…

Bên cạnh việc quan tâm tới tuyển chọn nhân sự, động viên, khích lệ đội ngũ làm việc có trách nhiệm, nhà trường chú trọng đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên thông qua nhiều hoạt động.

Cụ thể, tích cực tham gia các chương trình bồi dưỡng của ngành giáo dục từ Bộ, Sở, Phòng. Sau khi dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng, các GV, nhân viên báo cáo BGH về kết quả học tập, chia sẻ với tổ chuyên môn và các đồng nghiệp về những điều bổ ích thu hoạch được.

Cùng đó, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng GV. Quy trình của “Nghiên cứu bài học” được áp dụng linh hoạt, tùy vào bối cảnh cụ thể để đạt được hiệu quả cao nhất. Các tổ chuyên môn tổ chức nhiều giờ học nghiên cứu nhằm chia sẻ, góp ý, rút kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp để nâng cao hiệu quả dạy học. Ngoài tổ chức nghiên cứu bài học trong nội bộ một tổ chuyên môn nhà trường còn tổ chức nghiên cứu bài học giữa các tổ chuyên môn với nhau.

Khi có điều kiện trường Nguyễn Tất Thành còn mở rộng “nghiên cứu bài học” tới nhiều trường phổ thông khác nhằm phát triển “cộng đồng học tập”. Hình thức sinh hoạt chuyên môn theo hướng “Nghiên cứu bài học” đáp ứng mong muốn được nâng cao năng lực nghề nghiệp của mỗi GV, thúc đẩy tinh thần chia sẻ tối đa của đồng nghiệp trong toàn trường.

Mặt khác, nhà trường cũng tổ chức đồng thời nhiều hoạt động đào tạo tại chỗ theo nhu cầu và nguyện vọng của GV nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực bản thân vượt qua các thách thức của yêu cầu đổi mới giáo dục VN và các yêu cầu dạy học hướng phát triển năng lực HS. Nhà trường đã mời các chuyên gia đến tập huấn, trao đổi nâng cao trình độ nghiệp vụ cho GV bộ môn và GV chủ nhiệm.

Tổ chức phổ biến kinh nghiệm của những cá nhân làm việc hiệu quả để các đồng nghiệp khác học tập. BGH trực tiếp tập huấn cho các nhóm GV, các tổ chuyên môn. Nội dung tập huấn và trao đổi bắt đầu từ nhu cầu thực tiễn của nhà trường…

Thực tiễn ở trường Nguyễn Tất Thành cho thấy, công tác tập huấn, bồi dưỡng có giá trị định hướng ban đầu. Điều quan trọng là mỗi GV phải tiếp tục nghiên cứu, rèn luyện bản thân để đạt được hiệu quả thực sự sau bồi dưỡng.

BGH luôn chủ động tìm hiểu và phát hiện, động viên kịp thời những tiến bộ của GV, nhân viên và tạo động lực để mỗi cá nhân cố gắng thông qua việc xây dựng cộng đồng học tập trong nhà trường.

Tạo đột phá từ tự chủ tài chính

Trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, việc giao và phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục nói chung, các nhà trường phổ thông nói riêng có ý nghĩa rất lớn, tạo động lực để phát huy tính chủ động, năng động và sáng tạo của các nhà trường, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế của giáo dục.

Cùng với tự chủ trong tổ chức, nhân sự và hoạt động, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế… thì tự chủ trong công tác tài chính tại Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành cũng góp phần quan trọng tạo nên đột phá giáo dục nhà trường.

Thực tế cho thấy một số trường được quyền tự chủ về tài chính nhưng không nâng cao được hiệu quả giáo dục, không tạo được niềm tin của cha mẹ HS nên vẫn gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Với trường Nguyễn Tất Thành, trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, được giao tự chủ về tài chính, trường luôn chủ động để tạo động lực đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tạo điều kiện để trường phát triển bền vững, xây dựng được uy tín trong xã hội, được cha mẹ HS tin tưởng.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ kinh nghiệm: Để phát huy quyền tự chủ về tài chính, nhà trường đã quan tâm thực hiện đồng thời nhiều việc cơ bản như: Thỏa thuận với cha mẹ HS để xây dựng mức học phí của từng khối lớp và trình BGH Trường ĐHSP Hà Nội phê duyệt (trường Nguyễn Tất Thành trực thuộc Trường ĐHSP Hà Nội). Quyết định việc chi trả lương cho GV, cán bộ, nhân viên theo nguyên tắc: Không cào bằng mà dựa vào năng lực giảng dạy, năng lực công tác và hiệu quả công việc.

Tự chủ góp phần phát huy vai trò của giáo viên trong giáo dục. Ảnh: Thanh Long
Tự chủ góp phần phát huy vai trò của giáo viên trong giáo dục. Ảnh: Thanh Long 

Nhà trường cũng áp dụng chính sách khuyến học thông qua việc cấp học bổng Nguyễn Tất Thành cho những HS có thành tích xuất sắc trong học tập; miễn, giảm học phí cho những HS có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng chính sách động viên cán bộ giáo viên, công nhân viên thông qua việc giảm học phí cho con đang học tập tại trường.

Đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ tốt cho công tác dạy và học trong trường. Xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với thực tiễn của nhà trường. Năm học vừa qua, từ ngân sách tiết kiệm được, nhà trường đã tiến hành cải tạo sân trường, trang bị bàn ghế mới cho các phòng học. Trường học ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Tuy nhiên, để tự chủ trường học phát huy hiệu quả, theo bà Nguyễn Thị Thu Anh cần tăng cường các điều kiện thúc đẩy nhất định. Trước hết cần xây dựng hành lang pháp lý và có hướng dẫn cụ thể hơn nữa để tạo điều kiện cho các trường phổ thông được chủ động xây dựng, thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục nhà trường phổ thông.

Xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá để phát hiện các mô hình điển hình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam để nhân rộng trong cả nước cũng cần thiết; cùng đó cần bổ sung các chính sách khuyến khích HS; cần các văn bản chỉ đạo hướng dẫn cụ thể hơn nữa về quy chế hoạt động của các trường công lập tự chủ để trợ giúp các trường phổ thông thực hiện hiệu quả kế hoạch giáo dục nhà trường phổ thông.

Cần các chế tài phù hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra để giám sát được các trường tự chủ, khích lệ, đề cao tính tự chịu trách nhiệm của BGH các nhà trường tự chủ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ