Tất niên “kẹo kéo”

GD&TĐ - Chừng 10 năm nay, nhiều gia đình sống trong các khu dân cư ở đô thị đã chấm dứt cảnh cúng tất niên và mời cả phố đến ăn nhậu. Có lẽ nhận ra sự mất công, tốn sức, hao tài này mà ai đó đã nghĩ ra chuyện tất niên chung cho các dãy phố, dân miền Trung gọi là “tất niên xóm”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cái lợi trước tiên của tất niên xóm thì ai cũng rõ, đó là không mất thời gian đi ăn cúng giáp vòng. Hôm nay tôi mời anh đến nhà ăn tất tiên thì mai anh lại phải mời tôi để “đáp lễ” chứ chả lẽ lại … làm thinh? Cứ thế, nay nhà này, mai nhà nọ, mốt nhà kia… hầu như cả cái tháng Chạp là để đi ăn cúng! Thú thật, bây giờ mà nghe ai mời ăn cúng giỗ đâu đó, thấy ngại hơn là vui.

Người Việt mình phần lớn mang bệnh sĩ khó chữa. Hàng xóm mời mình bia Hà Lan thì mình cũng cố mua lấy vài thùng… bia Đức chớ hạ xuống bia Hà Nội hay Sài Gòn, họ lại bảo mình keo. Cứ thế, anh nọ nhìn anh kia để đáp lễ cho tương xứng. Con hỏi xin tiền ăn sáng hai chục nghìn thì vặn vẹo đủ điều, bắt nó “giải trình” sao nay xôi, bún lên giá, còn uống vài ba thùng bia, gấp cả trăm lần gói xôi thì mặt… vui như Tết. Tốn kém là vậy nhưng không thể “trốn” tất niên với hàng xóm được.

Cuối cùng là sức khỏe. Tuổi 20 - 30, bạn bè gặp nhau hay đùa vui “nay ông làm được một rọ (10 chai) không?”, nhưng tuổi 50 - 60 thì thay bằng câu: “Huyết áp ông nay mấy? Gan có nhiễm mỡ, máu có nhiễm… dầu không? Gout ghiếc thế nào?...”. “Quan tâm” nhau là vậy nhưng hễ nhập cuộc vô rồi là y như lên đồng, uống tới bến tới bờ. Không ít trường hợp ân hận suốt đời vì những cú bưng lên hô “một hai ba zô” này.

Bởi vậy, ai nghĩ ra chuyện tất niên xóm, đáng để được tặng “sáng kiến” tầm quốc gia chứ đừng nói tầm… xóm. Cả xóm hẹn nhau một ngày Chủ nhật nào đó của tháng Chạp, người đóng ít kẻ góp nhiều, hoặc “bổ đầu chia xôi”, chọn một sân nhà ai đó rộng rãi, bày ra dăm bàn, thế là vui.

Đừng nghĩ đó như một bữa nhậu đơn thuần, các “già xóm” cũng cúng kiến bài bản lắm. Các cụ cũng vái tứ phương, cũng “báo cáo” với thần hoàng thổ địa, cảm ơn đất trời làng nước đã phù hộ độ trì cho xóm (dãy phố) của mình ai cũng khỏe mạnh, chả li hôn, li dị gì, con cái đỗ cả… tiến sĩ!

Bỏ đi một hủ tục như cúng tất niên từng nhà chuyển sang tất niên nhiều nhà cùng lúc, đó là một bước đột phá về “văn hóa cúng” để hòa nhập với thế giới hiện đại. Điều đáng cảnh báo, nếu xem đó là một mối nguy, đó là sau khi cúng, ta làm… vài bản karaoke. Mà có phải “vài bản” đâu. Hát đến tận… gà gáy hôm sau kia đấy.

Bớt đi một chuyện phiền là ăn cúng giáp vòng, giờ lại tròng vô một chuyện phiền khác. Nghe nói loa thùng Trung Quốc hiện bán khắp nơi giá chỉ 150.000 đồng/cặp, kêu to đến thiên đình còn nghe.

Vì vậy, giờ tra tấn xóm làng không chỉ là mấy ông bán kẹo kéo nữa rồi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.