Tại họp báo thường kỳ Bộ Công thương hôm nay 16/10, các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm thủy điện với tình trạng lũ lụt tại miền Trung, đặc biệt sau sự cố sạt lở nghiêm trọng tại thủy điện Rào Trăng 3 làm hơn 30 người chết và mất tích, trong đó có 13 cán bộ, chiến sỹ đi làm nhiệm vụ cứu nạn. Phóng viên dành nhiều câu hỏi về công tác quy hoạch, vận hành thủy điện mỗi khi mưa lũ...
Trao đổi với báo chí những nội dung này, Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) Tô Xuân Bảo cho biết, liên quan đến vấn đề xả tràn các thủy điện trong bối cảnh mưa lũ tại miền Trung, Bộ Công thương đã vận hành đúng quy trình, để đảm bảo an toàn hồ chứa, đập hồ nước.
“Trên cơ sở dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia (TTKTTV), Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, sở ban ngành theo dõi sát diễn biến mưa lũ cũng như an toàn hồ chứa.
Từ đó, gọi điện thông báo khi các hồ chuẩn bị vận hành xả lũ (lãnh đạo các địa phương hạ du, giáo viên, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở…Việc xả lũ cũng đảm bảo lưu lượng chậm để tránh gây sức ép trong bối cảnh mưa lũ nhiều ngày qua tại miền Trung", ông Bảo nói.
Ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo chia sẻ: Thực hiện nghị quyết số 62 và 11 của chính phủ về công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công thương đã xuống địa phương để rà soát những dự án liên quan đến môi trường.
“Những dự án được quy hoạch được kiểm tra rất kỹ vấn đề liên quan đến rừng.
Bình quân 1MW thủy điện xấp xỉ gần 1-2 ha rừng, theo thống kê diện tích chiếm đất không dưới 2 ha cho 1MW. Điều này đảm bảo theo đúng quy định của quy hoạch”, ông Quân nói.
Cũng theo ông Quân, từ năm 2017 đến nay, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo không bổ sung dự án thủy điện nào dưới 3MW vào quy hoạch.
Hơn nữa, tất cả các dự án thủy điện liên quan đến rừng tự nhiên phải báo cáo chính phủ và phải đươc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Liên quan đến dự án thủy điện Rào Trăng 3, trước đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản, cho biết: Năm 2019, đơn vị đã đã tiến hành điều tra với tỷ lệ 1:50.000 và đã có cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại đây.
Các kết quả khảo sát cho thấy, trong số 42 điểm trượt lở đất đá trong toàn huyện Phong Điền, có 28 điểm trượt có quy mô nhỏ, 11 điểm trượt quy mô trung bình, 2 điểm trượt quy mô lớn, 1 điểm quy mô rất lớn. Hiện các điểm trượt vẫn còn nguy cơ tiếp tục xảy ra ảnh hưởng trực tiếp tới đường giao thông.
“Có 40 điểm trượt xảy ra trên vách, sườn taluy nhân tạo, 2 điểm trượt xảy ra trên sườn dốc tự nhiên; 12 điểm trượt xảy ra trong khu vực rừng tự nhiên, 30 điểm trượt xảy ra trong khu vực rừng trồng”, ông Hòa cho hay.
Riêng tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, đề án nghiên cứu cũng chỉ rõ yếu tố nguy hiểm về địa hình như: Hai bên bờ sông dốc và hẹp; mặt cắt thung lũng dạng chữ V, kéo dài theo phương án vĩ tuyến.
Cũng theo kết quả khảo sát, khu vực này có đứt gãy Đrakrông - A Lưới quy mô lớn cắt qua, đồng thời gần nơi giao nhau giữa đứt gãy Đrakrông - A Lưới với đứt gãy địa phương theo phương Đông bắc - Tây Nam.... Khu vực trọng điểm nhà máy thủy điện A Lin 1 - Rào Trăng 3 đã được Đề án cảnh báo là khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao và đề xuất điều tra hiện trạng trượt lở chi tiết ở tỷ lệ 1:25.000. Bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá sẽ được Đề án tiến hành trong năm 2021.
“Tháng 6/2020, chúng tôi đã chuyển giao Đề án này cho Ban chỉ huy PCTT của Tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, họ đã sử dụng như thế nào thì chúng tôi không rõ”, ông Hòa nói.