(GD&TĐ)-Sáng nay (24/2), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo Chính phủ với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị |
Nghị quyết của Chính phủ xác định rõ nhiều mục tiêu cụ thể gắn với 7 nhóm giải pháp mạnh để tập trung quản lý và điều hành nền kinh tế trước bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát khu vực tăng cao, giá nguyên vật liệu không ngừng leo thang đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.
Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước nhất trí cao “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước... theo tinh thần Nghị quyết không nhằm vào tiền lương, các đối tượng chính sách xã hội, các khoản cho sinh viên vay đi học... mà nhằm vào việc tạm dừng mua sắm các trang thiết bị mới; giảm tối đa chi phí điện, nước, xăng dầu; không bố trí kinh phí cho các việc chưa thực sự cấp bách; giảm tối đa chi phí cho hội nghị, hội thảo...
Tại Hội nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đều nhất trí cao với nội dung Nghị quyết; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực hiện Nghị quyết, phối hợp chặt chẽ và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; đề ra các kế hoạch hành động cụ thể; thực hiện tốt cơ chế giám sát, kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Nghị quyết.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rõ thêm một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tập trung chỉ đạo và điều hành.
Giải pháp đầu tiên được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; phải kiểm soát được tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 20%, đồng thời dành tín dụng ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và đầu tư cho các lĩnh vực thiết yếu khác trên nguyên tắc điều hành minh bạch, cụ thể. Cùng với việc kiềm chế lạm phát, phải giảm dần lãi suất theo hướng hợp lý, coi lãi suất là một trong những công cụ kiềm chế lạm phát.
Điều hành tỷ giá ngoại hối linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, Chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà nước sẽ huy động và sử dụng các nguồn lực để kiểm soát bằng được tỷ giá theo quy định, không để thả nổi tỷ giá; không để cho thị trường chợ đen chi phối.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngay sau Hội nghị này, dứt khoát các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước phải bán tất cả các ngoại tệ có được cho ngân hàng, khi có nhu cầu, các ngân hàng phải đảm bảo bán cho doanh nghiệp theo đúng giá quy định.
Về thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải thực hiện được mục tiêu tăng thu từ 7-8%, tiết kiệm chi tiêu 10%; dứt khoát phải giảm bội chi xuống dưới 5%; coi giảm bội chi là giảm cầu, làm giảm lạm phát. Bên cạnh đó, không ứng vốn ngân sách nhà nước cho các dự án kéo dài, không cấp bách để bổ sung cho các dự án ưu tiên hoàn thành trong năm 2011.
Về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với mức giá nông sản tăng cao, đây là thời điểm tốt để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Hạn chế tối đa các mặt hàng nhập khẩu trong nước có thể sản xuất được, coi giảm nhập siêu cũng làm một trong những giải pháp giảm căng thẳng tỷ giá.
Khẳng định việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu là việc không thể không làm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chức năng thực hiện việc bù hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo theo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết, tuyên truyền về những thuận lợi cũng như những khó khăn để nhân dân hiểu, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết đề ra.
Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng phải trình bày rõ những kế hoạch hành động của mình trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong lĩnh vực của Bộ mình phụ trách cho người dân hiểu rõ.
Để triển khai Nghị quyết hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu cứ 15 ngày/lần, các bộ tiến hành giao để nắm tình hình và 3 tháng một lần Chính phủ giao ban trực tuyến với các địa phương nhằm điều chỉnh sách sách và xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Kiên Hưng