Tập trung khoa học công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm sen tỉnh Đồng Tháp

GD&TĐ - Để phát huy hết tiềm năng sẵn có từ cây sen, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chủ động xây dựng những giải pháp về khoa học công nghệ để phát triển các giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội từ loài cây này.

Hằng năm, Đồng Tháp đều tổ chức rất nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa để tôn vinh giá trị của sen.
Hằng năm, Đồng Tháp đều tổ chức rất nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa để tôn vinh giá trị của sen.

Đồng Tháp chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có từ cây sen

Cây hoa sen được trồng khắp các tỉnh/thành trên cả nước, rất gần gũi và thân thiết với người dân Việt Nam. Ngoài giá trị về thẩm mỹ, hoa sen còn được dùng làm thực phẩm, hương liệu và nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp, thủ công mỹ nghệ... Đặc biệt là góp phần phát triển du lịch từ cây sen.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích vùng trồng sen thực tế là 331.17 ha và tổng diện tích quy hoạch vùng trồng sen được phê duyệt là 461ha; tập trung chủ yếu tại huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh, huyện Tân Hồng, huyện Lấp Vò,…

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả, khi nói đến sen là phải nhắc ngay đến Đồng Tháp, bởi lẽ từ lâu người dân Việt Nam đã có câu ca dao “Tháp Mười đẹp nhất hoa Sen Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Cùng với những món quà thiên nhiên ban tặng, sen Đồng Tháp đã để lại dấu ấn cho du khách nhớ về vùng đất này là những con người mộc mạc, thân thiện và mến khách; là tình người thắm đượm “hồn sen”.

PGS.TS Đặng Văn Đông đánh giá cao tiềm năng và lợi thế của cây sen của Đồng Tháp, đặc biệt là tỉnh đã hình thành 1 thương hiệu sen rất tốt, thương hiệu này không phải cây trồng nông nghiệp nào cũng có, hoặc không phải địa phương nào cũng có. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có.

Để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm từ cây sen, PGS.TS Đặng Văn Đông đề xuất một số giải pháp về khoa học công nghệ như xây dựng trung tâm bảo tồn, lưu giữ các giống sen, nghiên cứu lai tạo và phát triển giống sen mới. Đồng thời hoàn thiện các quy trình kỹ thuật từ gieo trồng, bảo quản đến chế biến  sản phẩm từ sen.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT, Đồng Tháp không phải là tỉnh duy nhất trồng sen, mặc dù thương hiệu sen đã gắn bó với địa phương từ lâu nhưng tỉnh phải có những chương trình, kế hoạch phát huy giá trị sen nhiều hơn nữa và thực hiện đồng bộ, thường xuyên.

Đặc biệt là cần đẩy mạnh kết nối chuyên gia về sen, các tour du lịch, lữ hành, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm sen, đưa các món ăn về sen vào các nhà hàng, quán ăn tại Đồng Tháp; đa dạng hóa sản phẩm từ sen và cả việc tạo ra những giống sen mới; đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, yêu mến sen Đồng Tháp.

Đa dạng hoá các sản phẩm từ cây sen.

Đa dạng hoá các sản phẩm từ cây sen.

Tập trung khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển sản phẩm sen tỉnh Đồng Tháp

Trong những năm qua, để nâng cao giá trị và phát huy tiêm năng của cây sen, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức rất nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa để tôn vinh giá trị của sen đồng thời quảng bá, xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là “Quê Sen”, “Thủ phủ Sen” hay “Đất Sen Hồng”...

Đặc biệt, kể từ năm 2007, UBND tỉnh Đồng Tháp có biểu tượng theo hình tròn cách điệu của bông hoa sen. Ngoài ra, cây sen còn được UBND tỉnh chọn và đưa vào xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025.

Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, nhận thấy những giá trị và tiềm năng to lớn từ cây sen, Tỉnh đã và đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội xoay quanh các giá trị từ cây sen. 

Cây sen và các giá trị văn hóa từ cây sen là nhân tố quan trọng nhất để tạo lập và định vị hình ảnh Đồng Tháp. Đồng thời là nhân tố quan trọng nhất góp phần thực thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh.

Để phát huy hết thế mạnh và tiềm năng của cây Sen, Sở đã và đang tham mưu  tỉnh đưa khoa học và công nghệ vào phát triển chuỗi giá trị sản phẩm sen, thông qua các hoạt động như: Xây dựng và ban hành Đề án Phát triển sản phẩm Đồng Tháp; Dự án Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý Đồng Tháp cho sản phẩm sen; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sen...

Ngoài ra, ngành khoa học và công nghệ tỉnh còn hỗ trợ trực tiếp cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc giữ gìn và khai thác các tài sản trí tuệ liên quan đến sản phẩm, dịch vụ từ sen.

Trong thời gian tới, Sở sẽ thực hiện có hiệu quả hoạt động quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen nhằm khai thác giá trị kinh tế do Chỉ dẫn địa lý mang lại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm Sen Đồng Tháp

Đồng thời triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ như: Nghiên cứu, đề xuất thí điểm một số mô hình sản xuất sen ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tốt, an toàn; Nghiên cứu, tuyển chọn giống sen chất lượng cao cho Đồng Tháp; Mô hình hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất và phát triển chế biến sản phẩm từ cây sen;…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ