Tập thể dục thế nào để tránh đột quỵ?

GD&TĐ - Không ít trường hợp đột quỵ sau khi tập thể dục. Thực tế, tập thể dục là một trong những biện pháp ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, cần tập đúng cách, đều đặn và duy trì cường độ vừa sức.

Cần kiểm soát các bệnh song song với tập thể dục. Ảnh minh họa.
Cần kiểm soát các bệnh song song với tập thể dục. Ảnh minh họa.

“Chìa khóa” tránh đột quỵ

Mới đây, làng giải trí Việt không khỏi bàng hoàng trước thông tin nam danh hài Chí Tài qua đời. Theo xác nhận từ quản lý cũ, cố nghệ sĩ qua đời do đột quỵ sau khi tập thể dục. Sự ra đi của Chí Tài khiến bạn bè, đồng nghiệp và nhiều người hâm mộ xót xa.

Trước sự ra đi đột ngột của danh hài Chí Tài, PGS.TS Trần Huỳnh tại Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) chia sẻ, nghệ sĩ là những người luôn cống hiến hết mình. Họ thậm chí quên sức khỏe bản thân.

Trong khi đó, giới giải trí có tính cạnh tranh và đào thải cao, nên nghệ sĩ thường chịu áp lực lớn, dẫn tới nhiều căn bệnh. Và, các bệnh loét dạ dày, trầm cảm, lo âu, cao huyết áp, tiểu đường... đều có thể dẫn đến đột quỵ.

Sau cái chết của danh hài Chí Tài, không ít người đặt câu hỏi, liệu tập thể dục có gây đột quỵ không? Nói về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh nhấn mạnh, thể dục và thể thao là yếu tố quan trọng ngăn ngừa đột quỵ.

“Tuy nhiên, điều quan trọng là, tập thể dục có đúng cách và vừa sức chịu đựng không? Một số nghiên cứu tại châu Âu và Mỹ chỉ ra, một trong những điểm quan trọng tránh đột quỵ khi tập thể dục là cường độ vừa phải. Cần tập theo khả năng của mình.

Ví dụ, một người 50 tuổi không thể tập theo cường độ của thanh niên 18 tuổi và ngược lại. Ngoài ra, cần biết các yếu tố khác như bệnh tiểu đường, cao huyết áp có được kiểm soát không?”, chuyên gia cho biết.

Vì vậy, TS Huỳnh nhấn mạnh, tập thể dục đúng cách với cường độ vừa đủ sẽ không gây đột quỵ. Tuy nhiên, khi mệt, mọi người cần dừng tập. Ngoài ra, các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh phổi... cần được kiểm soát hoàn toàn, song song với tập thể dục.

“Đột quỵ là do một vùng não mất oxygen đột ngột do mạch máu bị ngưng tuần hoàn. Có 2 loại đột quỵ chính là đột quỵ do nghẽn mạch máu, chiếm phần lớn (85 - 90%) và đột quỵ do vỡ mạch máu, chiếm ít hơn (dưới 10%).

Loại đột quỵ khác là TIA (cơn thiếu máu thoáng qua). Đây cũng có thể coi là một dạng đột quỵ cho nghẽn mạch máu. Tuy nhiên, cục máu đông sau đó lọt qua được khe hẹp và dòng máu lưu thông trở lại”, TS Huỳnh giải thích.

Đột quỵ là quá trình phát triển bệnh từ từ, không có triệu chứng, đến một giai đoạn nhất định sẽ bùng phát. Với đột quỵ do nghẽn mạch máu, quá trình này bắt đầu từ cao huyết áp không kiểm soát, cao mỡ, tiểu đường, và các yếu tố viêm như hút thuốc lá. Từ đó, khiến mạch máu dần bị nghẹt.

Trường hợp vỡ mạch máu cũng tương tự, thường bắt đầu bằng cao huyết áp không kiểm soát. Sau đó, dẫn đến xơ vữa cứng động mạch.

Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo, loại đột quỵ vỡ mạch máu do túi phình sẽ nguy hiểm hơn. Bởi, vỡ mạch máu dạng này thường lớn, tổn thương nhiều hay toàn bộ vùng não, khó can thiệp. Vỡ túi phình thường dẫn đến xuất huyết dưới màng nhện. Từ đó, khiến phần không gian dưới nhện - nơi dịch não tủy lưu thông, bị nghẽn. Bệnh nhân dễ bị liệt, hôn mê, thậm chí tử vong nhanh.

“Ngoài các triệu chứng thường gặp của đột quỵ như liệt yếu, thay đổi giọng nói.., bệnh nhân bị vỡ túi phình còn có những triệu chứng như: Mờ mắt hay mất thị lực, mí mắt sụp một bên, giãn đồng tử; Nhức đầu; Tê liệt và yếu; Ói mửa và buồn nôn; Cứng cổ, co giật, động kinh”, PGS Huỳnh chia sẻ.

Tầm soát đột quỵ bằng siêu âm?

PGS.TS Trần Huỳnh.
PGS.TS Trần Huỳnh.

TS Huỳnh lý giải, tầm soát là cách tìm bệnh sớm, khi chưa có triệu chứng. Trong đó, siêu âm động mạch cảnh là một trong những biện pháp được cho là có thể tầm soát đột quỵ.

“Động mạch cảnh là động mạch chính cung cấp máu lên não từ tim. Chúng ta có 2 động mạch cảnh ở hai bên cổ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đột quỵ có liên quan đến hẹp động mạch cảnh”, chuyên gia cho biết.

Tuy nhiên, TS Huỳnh nhận định, đột quỵ phức tạp hơn nhiều so với việc siêu âm động mạch cảnh. Các nghiên cứu chỉ ra, phần lớn đột quỵ xảy ra ở bệnh nhân không bị hẹp động mạch cảnh. Và quan trọng hơn, việc đo lường chính xác độ hẹp của động mạch cảnh tùy thuộc vào kinh nghiệm của chuyên viên siêu âm. Vì vậy, Trường Đại học Harvard và tổ chức chuyên khoa như Hội Đột quỵ Hoa Kỳ không khuyến cáo dùng siêu âm để tầm soát đột quỵ.

Chuyên gia nhấn mạnh, bất cứ ai cũng có nguy cơ đột quỵ. Càng lớn tuổi, rủi ro càng cao. Do đó, mọi người có thể đánh giá rủi ro đột quỵ của mình dựa trên các yếu tố như huyết áp và chỉ số khác. Bởi, khi biết rủi ro đột quỵ, mọi người sẽ hiểu hơn tầm quan trọng của việc kiểm soát các bệnh mãn tính khác, tập thể dục, thay đổi lối sống.

“Cần ăn uống khỏe mạnh với chế độ cân bằng, gồm rau củ quả tươi, đạm và chất béo vừa phải. Giữ cơ thể vận động thường xuyên như tập thể dục đều đặn. Tập thể dục được tính là 150 phút tập nhẹ mỗi tuần (hay gần 1 giờ, tập 3 lần mỗi tuần) hoặc 75 phút tập nặng (25 phút một lần và 3 lần mỗi tuần)”, TS Huỳnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, để ngừa đột quỵ, mọi người cần theo dõi cân nặng thường xuyên. Bởi, thừa cân và béo phì là những rủi ro vô cùng nguy hiểm cho đột quỵ.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, một số yếu tố quan trọng khác để ngừa đột quỵ bao gồm: Không hút thuốc; Kiểm soát các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, cao mỡ; Uống thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ; Chủ động chăm sóc sức khỏe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.