Chương trình tập huấn có sự tham gia của lãnh đạo các Trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh và được phát trực tuyến đến cho tất cả giáo viên, học sinh trong toàn ngành.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ an nhấn mạnh vai trò đặc biệt của việc phối hợp nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục toàn diện học sinh.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An nhắc lại một số vụ bạo lực học đường và sự việc đáng tiếc liên quan đến học sinh trên địa bàn. Những sự việc này gióng hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng bạo lực có biến đổi phức tạp, khó nắm bắt hơn, không chỉ ở thể chất mà còn bạo lực tinh thần, bạo lực trên không gian mạng. Cá biệt, có rất nhiều vụ đánh nhau quay clip trên mạng xã hội, cô lập ngược đãi, thao túng tâm lý ảnh hưởng đến nặng nề đến học sinh.
Ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ an nhấn mạnh vai trò đặc biệt của việc phối hợp nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục toàn diện học sinh. Ảnh: Hồ Lài. |
Trước tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, ông Nguyễn Văn Khoa nêu câu hỏi về nguyên nhân của thực trạng trên: “Chúng ta đã bao giờ đặt câu hỏi vì sao lại có bạo lực học đường?. Bạo lực học đường ngày này khác ngày xưa như thế nào?. Tác động bạo lực sẽ nguy hại thế nào, vì sao bạo lực ngày nay lại lan tỏa nhanh trên mạng xã hội như vậy”.
Từ thực tế trên, lãnh đạo ngành giáo dục đề nghị các nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Trong đó chú trọng đến việc giáo dục học trò bằng sự yêu thương, chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, mấu chốt của giáo dục là sự quan tâm, tình yêu thương của thầy cô giáo để cảm hóa học sinh. Thầy cô phải thấu hiểu học sinh, phải có những giao tiếp bằng tâm hồn thể hiện bằng tư tưởng, tình cảm, cảm xúc để có thể cảm hóa học trò.
PGS.TS. Giảng viên cao cấp Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo bồi dưỡng - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đứng lớp tập huấn. Ảnh: Hồ Lài. |
Để hạn chế tình trạng bạo lực liên quan đến học sinh, không chỉ cần vai trò của nhà trường, mà phải có sự chung tay phối hợp, trách nhiệm với gia đình, xã hội. Đặc biệt gia đình là nơi gần gũi, thân thiết nhất với học sinh, cần thường xuyên có sự tương tác để sớm nắm bắt vấn đề, biến đổi tâm lý hay sự cố mà các em gặp phải trong cuộc sống. Từ đó có giải pháp kịp thời nhằm định hướng, giúp học sinh giải quyết được vấn đề của mình.
Từ mục tiêu đó, lớp tập huấn kỹ năng phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội sẽ là dịp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng giúp giáo viên, lãnh đạo các nhà trường có cái nhìn toàn diện về vấn đề bạo lực học đường và giải pháp phù hợp.
Đứng lớp tập huấn là PGS.TS. Giảng viên cao cấp Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo bồi dưỡng - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong thời gian 2 ngày, PGS.TS. Phạm Mạnh Hà chia sẻ 4 chuyên đề gồm: Kiến thức và kỹ năng phát hiện, tư vấn, giáo dục học sinh chưa ngoan, chưa tích cực, học sinh có khó khăn về tâm lý; phương pháp phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh chưa tích cực, học sinh khó khăn về tâm lý.
Kỹ năng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường. Kiến thức và kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả; phương pháp phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả. Phương pháp phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh tuổi dậy thì và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Chương trình tập huấn có sự tham gia của lãnh đạo các Trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An cùng trao đổi, chia sẻ. Ảnh: Hồ Lài. |
Qua các chuyên đề này, góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông về tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên kiến thức và kỹ năng trong việc phát hiện, tư vấn, giáo dục học sinh khó khăn về tâm lý; phòng chống bạo lực học đường; kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả; kỹ năng giáo dục học sinh tuổi dậy thì, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Đồng thời đề ra giải pháp thống nhất quan điểm, nội dung, phương pháp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội để nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh.