Tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 khu vực phía Nam

GD&TĐ - Ngày 14/6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 cho cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra tại kỳ thi ở khu vực phía Nam.

Các cán bộ dự Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Các cán bộ dự Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Hội nghị diễn ra tại Trường Đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng – Phó Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; ông Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT; lãnh đạo và chuyên viên thanh tra; đại diện lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT; đại diện Bộ Công an.

Cùng dự có đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra của 32 Sở GD&ĐT, 68 cơ sở giáo dục Đại học khu vực phía Nam

Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung: Hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; hướng dẫn về Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022; hướng dẫn kiểm tra, phát hiện thiết bị công nghệ cao gian lận trong hoạt động thanh tra, kiểm tra Kỳ thi năm 2022; hướng dẫn nghiệp vụ trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi năm 2022; hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả tập huấn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, có tới 5 yếu tố đảm bảo cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt yêu cầu chất lượng đề ra.

Trong đó, trước hết là việc đề cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, từ hệ thống văn bản chỉ đạo cho đến thành lập bộ máy, các ban, hội đồng… để tổ chức kỳ thi. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải vừa toàn diện, vừa trọng tâm trọng điểm.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng  phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.  

Liên quan đến việc phối hợp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay, đây vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp. “Kỳ thi diễn ra trên phạm vi rộng, số lượng chủ thể tham gia kỳ thi rất đông, do đó các lực lượng tham gia cần phối hợp tốt, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ phương pháp và rõ trách nhiệm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Riêng đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng lưu ý, việc phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng là rất quan trọng, qua đó vừa giữ được kỷ cương, kỷ luật trường thi, nghiêm túc, nhưng cũng không tạo ra áp lực không cần thiết cho thí sinh cũng như các lực lượng.

Nhắc tới công tác chuẩn bị như một trong những yếu tố quan trọng nhất, Thứ trưởng khẳng định, công tác chuẩn bị càng kỹ lưỡng, chu đáo bao nhiêu sẽ đưa tới chất lượng, hiệu quả bấy nhiêu. Hoạt động tập huấn thanh tra, kiểm tra được tổ chức cũng là một trong những nội dung của công tác chuẩn bị, do vậy cần phải được làm kỹ lưỡng.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay: “Nhiều cán bộ thanh tra, kiểm tra kỳ thi đã có nhiều năm làm công việc này nhưng cẩn thận bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một sơ suất nhỏ - hệ lụy, tác hại sẽ là rất lớn. Do đó chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, cần bao quát hết các công việc, kể cả việc biết rồi cũng phải nghiên cứu chu đáo, kỹ lưỡng hơn”.

Bên cạnh đó, thành công của kỳ thi là công tác thanh tra, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra, theo Thứ trưởng là để phòng ngừa là chính, từ đó tăng cường kỷ cương, giảm thiểu vi phạm. Chính vì vậy, vai trò của đội ngũ thanh tra rất lớn, để giữ kỳ thi an toàn.

“Để giữ kỳ thi an toàn, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra là rất lớn. Làm sao để vừa nghiêm minh, vừa hài hòa nhưng cũng nhân văn, nhân ái; đảm bảo đúng quy chế, quy định nhưng cũng thân thiện, ứng xử phù hợp”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.

Ngoài ra, công tác truyền thông cũng quan trọng, nhằm để phụ huynh, xã hội hiểu, phối hợp, giúp đỡ tổ chức thành công kỳ thi này.

Ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT trả lời các thắc mắc của các cán bộ tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT trả lời các thắc mắc của các cán bộ tại Hội nghị. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị dành nhiều thời gian lắng nghe, tiếp thu, giải đáp các thắc mắc, băn khoăn từ đơn vị, cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra.

Trong đó lựa chọn, những tình huống phức tạp, nhạy cảm, những vấn đề còn chưa rõ, còn có cách hiều khác nhau để cùng thảo luận, phòng ngừa.

Thứ trưởng đề nghị, sau Hội nghị, Ban Tổ chức và các báo cáo viên tổng hợp đầy đủ các ý kiến, trong trường hợp cần thiết có thể tham mưu lãnh đạo Bộ GD&ĐT để tiếp tục ban hành các hướng dẫn cụ thể triển khai thực hiện. Đối với các cán bộ cốt cán tham gia tập huấn, sau Hội nghị sẽ về làm tốt công tác tập huấn lại cho đội ngũ thanh tra, kiểm tra ở địa phương, cơ sở giáo dục.

“Cố gắng tổ chức sớm để có đội ngũ làm công tác thanh tra, cộng tác viên thanh tra phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.