Chương trình nhằm tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho viên chức và sinh viên.
Chương trình có sự tham dự của TS. Lê Trường Sơn - Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM; TS.BS Nguyễn Nam Hà - Trưởng Đơn vị Truyền thông Giáo dục Sức khỏe, Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; ThS.BS Trần Thị Hoa Vi - Trưởng Đơn vị Đào tạo Phòng khám Đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Lê Trường Sơn nhận định nguy cơ bùng nổ dịch bệnh vẫn còn rất lớn với nhiều hậu quả nặng nề về mọi mặt trong đời sống xã hội, đặc biệt là về vấn đề sức khỏe và tinh thần con người. Việc chuyển sang trạng thái mới “Chủ động, thích ứng” với dịch bệnh là điều được rất nhiều người quan tâm.
"Chuỗi hoạt động tư vấn liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19 được tổ chức nhằm trang bị cho cán bộ, giảng viên, sinh viên những kỹ năng phòng tránh dịch Covid-19 trong bối cảnh mới, cũng như nâng cao sự cảnh giác, gạt bỏ tâm lý chủ quan để phòng chống dịch hiệu quả.
Quan trọng hơn, thông qua các phương pháp, kỹ năng được đúc kết, chia sẻ từ các bác sĩ, chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ giúp sinh viên, giảng viên vượt qua được những bất ổn tâm lý do ảnh hưởng dịch Covid-19 mang lại", TS Sơn nói.
Tại chương trình TS.BS Nguyễn Nam Hà- Trưởng đơn vị truyền thông Sức khỏe, Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng trình bày chuyên đề “Một số biện pháp dự phòng truyền nhiễm Covid-19”.
Chuyên đề có các nội dung chính về nguyên tắc 5K, cách đeo khẩu trang đúng cách, cách vệ sinh cá nhân mùa dịch, một số biện pháp chống lây nhiễm đối với hộ gia đình, trường học, công sở và cơ sở y tế, những lưu ý về việc tiêm vắc xin.
Ông cũng đưa ra nhiều lời khuyên thực tế cho người theo dõi chương trình về những tác động tâm lý có thể gặp phải sau dịch Covid-19, cũng như khi đối mặt với việc bị dương tính Covid-19, là F1 hay phải tự điều trị tại nhà...
Đồng thời TS.BS Nguyễn Nam Hà cũng đưa 4 nguyên tắc cơ bản nhằm giúp người đối diện nguy cơ tổn thương tâm lý có thể tránh và tự cân bằng.
Những nguyên tắc đó gồm: Bình tĩnh, chủ động điều trị và phòng tránh; thả lỏng cơ thể tạo sự hưng phấn tâm lý qua các hoạt động tại nhà; Tham vấn chuyên gia tâm lý khi cảm thấy bế tắc hoặc ức chế; Cuối cùng là thường xuyên "relax" suy nghĩ và cả hoạt động thể chất của cơ thể.
Qua 2 tiếng thực hiện giao lưu và trao đổi, chương trình đã nhận được rất nhiều câu hỏi xoay quanh các thắc mắc phổ biến như cách bảo vệ sức khỏe bản thân khi học tập tại trường. biện pháp hữu hiệu để chống lây nhiễm chéo trong hộ gia đình hay cách động viên tinh thần F0,…