Đợt tập huấn diễn ra từ 14/10 đến 16/10, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT cùng hơn 700 học viên là Trưởng phòng GD&ĐT trên toàn quốc nhằm chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, đổi mới chương trình sách giáo khoa là nhiệm vụ rất lớn, để thực hiện thành công có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý từ Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và nhà trường.
Nội dung đợt tập huấn tập trung 2 vấn đề, tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông mới và định hướng đổi mới giáo dục phổ thông để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT.
Các đại biểu tham dự buổi tập huấn. |
Thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng việc triển khai chương trình giáo dục mới, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - Võ Văn Mai cho biết, đợt tập huấn đã kịp thời cập nhật nhiều nội dung để đáp ứng việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông với nhiều đổi mới, chắc chắn sau buổi tập huấn sẽ đến được với giáo viên từng khu vực của tỉnh.
Tuy nhiên, ông Mai cũng bày tỏ, để thực hiện tốt chương trình địa phương rất cần văn bản hướng dẫn quy định của Bộ GD&ĐT quy trình, cách thức thực hiện để tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, sau khi triển khai thực hiện chương trình cần tăng cường về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…
Ông Đoàn Văn Hương - Phó Giám đốc Sở G&ĐT Bắc Kạn cho rằng, với nội dung tập huấn, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu tỉnh tổ chức bồi dưỡng giáo viên, thực hiện kế hoạch, tập huấn các trường toàn bộ đổi mới sách giáo khoa.
Ông Hương nhấn mạnh, việc đổi mới chương trình điều quan trọng là đội ngũ giáo viên, thành công hay không phụ thuộc vào giáo viên, giáo viên cốt cán và thầy cô giáo các nhà trường. Bởi vậy, các trường đại học tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên cho tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đổi mới sách giáo khoa, giúp các địa phương nhất là cấp ủy, chính quyền các ngành liên quan hiểu được rõ hơn.
Để công tác bồi dưỡng cho giáo viên được nâng cao chất lượng, ông Nguyễn Văn Tuế - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, khi tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên thì chính đội ngũ giáo viên tập huấn phải cố gắng bám sát đối tượng, đổi mới cách tập huấn, theo hướng tập huấn cái gì học viên cần chứ không phải tập huấn cái gì giáo viên có thì hiệu quả tập huấn mới cao. Cùng với đó là công tác quản lý, tổng hợp giáo viên tham dự, quản lý lớp học...
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Lào Cai thì băn khoăn về định mức giáo viên, số lượng giáo viên tiếng Anh tỉnh còn thiếu.
“Môn ngoại ngữ và tin học ở Lào Cai khó tuyển giáo viên. Mong muốn Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường đào tạo ngoại ngữ, dạy trực tuyến cho giáo viên thiếu giáo viên như hiện nay. Cần có hội nghị tập huấn cấp tỉnh có lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương…”, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Lào Cai bày tỏ.
Tiếp thu những kiến nghị, băn khoăn trên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, để triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, trước tiên phải nâng cao nhận thức ý nghĩa của chương trình đổi mới phổ thông. Đồng thời, Bộ GD&ĐT triển khai về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cốt cán địa phương, không để lớp tập huấn nào chất lượng kém.
Cùng với đó là trách nhiệm địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra các lớp bồi dưỡng. “Với trách nhiệm chung, đề nghị các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, thanh tra kiểm tra các lớp bồi dưỡng. Bộ GD&ĐT cũng xây dựng kế hoạch thanh tra các lớp bồi dưỡng tại các trường đại học để nâng cao chất lượng…”, Thứ trưởng Độ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phải có kế hoạch quan tâm tới đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất cho giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Đầu năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành danh mục, bảo đảm điều kiện cho học sinh cả nước, ưu tiên lớp 1, bố trí đảm bảo điều kiện học tập cho 2 buổi/ ngày.
Về tài liệu giáo dục địa phương, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần sớm thành lập hội đồng về tài liệu giáo dục địa phương để từng bước có hướng vận dụng linh hoạt.