Tập cho học sinh có được thói quen đọc sách là việc làm sáng tạo

GD&TĐ - Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - TS Nguyễn Vinh Hiển - khi trao đổi với GD&TĐ về hoạt động “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay” của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2015.

Thư viện trường học là địa chỉ đỏ khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho HS
Thư viện trường học là địa chỉ đỏ khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho HS

Nhiều ý kiến cho rằng, thư viện trường học hiện nay chưa phát huy được hết vai trò của nó, Thứ trưởng đánh giá vấn đề này như thế nào?

Trong hệ thống thư viện, thư viện trường học giữ vai trò quan trọng, góp phần bảo đảm và nâng cao chất lượng dạy học và nghiên cứu của người dạy và người học. Thư viện trường học kích thích phát triển văn hoá đọc, đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra – đánh giá giáo dục và rèn luyện phương pháp tự học, tự nghiên cứu của học sinh, sinh viên. 

Trong những năm qua, nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Thái Bình đã xây dựng, phát triển tủ sách phụ huynh trong lớp học bằng nguồn lực xã hội hoá, với sự đóng góp của cha mẹ học sinh và sự hỗ trợ của Chương trình sách hóa nông thôn. Xây dựng thư viện nhà trường và tập cho học sinh có được thói quen đọc sách là việc làm sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực. Mô hình này cần được nghiên cứu, nhân rộng ra toàn quốc.

Tuy vậy, nhìn chung thư viện trường học chưa phát huy được hiệu quả tích cực. Sự hiểu biết về vai trò và phương pháp hoạt động thư viện của các cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên còn hạn chế, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo kiểu “truyền thụ một chiều đã không khuyến khích người dạy và người học tìm đọc và sử dụng thư viện, nguồn lực đầu tư cho thư viện nhà trường còn hạn hẹp. Nhiều người dân và học sinh không có thói quen đọc sách. 

Bên cạnh đó, dân chúng và thế hệ trẻ hiện nay bị văn hóa nghe - nhìn lôi cuốn mạnh hơn văn hóa đọc, trong khi ai cũng biết rằng so với đọc thì nghe - nhìn có ưu thế hơn về thông tin, giải trí nhưng kém hơn nhiều về ý nghĩa tri thức và phương pháp nhận thức khoa học. Chúng ta cần phải làm sao để văn hóa nghe nhìn và văn hóa đọc bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Với một nền giáo dục lành mạnh, văn hóa đọc phải có vị trí xứng đáng.

Thư viện trường học giúp cho thầy cô và học sinh mở toang cánh cửa tri thức của nhân loại. Vậy thưa Thứ trưởng, chúng ta đã có những chủ trương, chính sách gì để tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển?

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và đã có những chủ trương, chính sách để khuyến khích và tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển. Chỉ thị số 42/CT-TW ngày 25/8/2004 của Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi… 

Tập trung củng cố và phát triển hệ thống thư viện, các loại phòng đọc, trước hết là ở cơ sở…”; trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới ban hành kèm theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ có tiêu chí quy định trường học có hệ thống các phòng học, phòng học bộ môn, thư viện và các cơ sở vật chất khác đạt chuẩn quốc gia.

Bộ GD&ĐT thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc phát triển hệ thống thư viện trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và thiết thực; đã ban hành các tiêu chuẩn đánh giá thư viện trường học, ban hành và bảo đảm chế độ và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên làm công tác thư viện trường học; tổ chức nhiều “sân chơi” để động viên giáo viên và học sinh sử dụng thư viện. 

Đã có nhiều trường học áp dụng các mô hình thư viện hiệu quả như “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “thư viện luân phiên sách trong các lớp học”, phong trào “góp một quyển sách để được đọc nhiều quyển sách” do NXB GDVN phát động đã được thực hiện tốt ở nhiều nhà trường; gần đây các “thư viện điện tử”, thư viện của Mô hình “Trường học mới Việt Nam” đã được triển khai tích cực; một số nơi đã có sáng kiến kết nối hoạt động thư viện nhà trường với thư viện địa phương, với điểm bưu điện văn hoá xã, gắn với việc đổi mới hoạt động giáo dục của nhà trường, góp phần phát triển văn hóa đọc ở địa phương.

Trong bối cảnh đó, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, chỉ đạo triển khai đổi mới tổ chức và hoạt động các thư viện trường học để phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh và giáo viên; thay đổi cách dạy, cách học; chuyển từ việc truyền thụ tri thức sang tổ chức, hướng dẫn hoạt động tự học, tạo nền tảng cho việc học tập suốt đời theo tinh thần cốt lõi của Nghị quyết Trung ương số 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.

Song, để khơi dậy niềm yêu thích đọc và có thói quen đọc cho học sinh, nhà trường phải là nòng cốt nhưng đòi hỏi sự tham gia tích cực của toàn xã hội, theo tinh thần định hướng từ nhà trường, gia đình và cộng đồng.

Vậy xin Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới ngành GD&ĐT sẽ tập trung vào những hoạt động gì để thúc đẩy phong trào đọc, hướng tới xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời cho mỗi người dân?

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời với chủ đề “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay” mới chỉ là việc làm khởi đầu cho một phong trào lớn “Phong trào phát triển văn hóa đọc”. Sau Tuần lễ này, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị có liên quan triển khai các công việc tiếp theo, chủ yếu là:

Trước tiên, xây dựng Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường và cộng đồng” với mục tiêu duy trì việc đọc trở thành thói quen của mọi tầng lớp nhân dân, phát triển hoạt động đọc trong xã hội, xây dựng các thế hệ đọc trong tương lai và đổi mới hoạt động của thư viện trường học theo hướng xã hội hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và kết nối thư viện nhà trường với Internet và các loại hình tủ sách của địa phương.

Thứ hai, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa của việc đọc sách; cung cấp tài liệu hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc sách và khai thác thông tin; mở các lớp giáo dục kỹ năng đọc cho mọi người dân tại trung tâm học tập cộng đồng...

Thứ ba, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng và phát triển các mô hình thư viện trường học hiệu quả; khuyến khích cha mẹ, anh chị đọc cho tuổi thơ nghe thường xuyên tại gia đình.

Thứ tư, đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tập trung dạy cách học và rèn luyện năng lực tự học, tự cập nhật kiến thức, tạo nền tảng cho học tập suốt đời.

Ngoài ra, hàng năm sẽ tổ chức các hoạt động, các cuộc thi, các buổi tọa đàm… nhằm thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động đọc và khai thác, ứng dụng thông tin tích luỹ từ việc đọc trong từng nhà trường, gia đình và cộng đồng.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!

Để khơi dậy niềm yêu thích đọc và có thói quen đọc cho học sinh, nhà trường phải là nòng cốt nhưng đòi hỏi sự tham gia tích cực của toàn xã hội, theo tinh thần định hướng từ nhà trường, gia đình và cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ