Tạo thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

GD&TĐ - Dự thảo Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cần kế thừa quan điểm của Nghị định 210/2013/NĐ-CP, trong đó ưu tiên tạo thuận lợi nhất về điều kiện tiếp cận chính sách, tăng nguồn vốn hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn như: khuyến khích bằng cả cơ chế ưu đãi và chính sách hỗ trợ, hạn chế hỗ trợ trực tiếp bằng ngân sách nhà nước.

Tạo thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Dự thảo vận dụng các quy định Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng để áp dụng cơ chế chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, mặt khác Dự thảo cần tiếp cận Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa (sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3) và các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 về thể chế kinh tế thị trường.

Đó là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về Dự thảo Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Thông báo nêu rõ, về tên Nghị định, cân nhắc lại nội dung khuyến khích doanh nghiệp hay phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn; cần xem xét, bổ sung vấn đề khởi nghiệp trong nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Về nội dung cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành và tập trung vấn đề về tích tụ, tập trung đất đai, đây là vấn đề lớn quyết định quy mô sản xuất của doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh về quy mô sản xuất trước bối cảnh toàn cầu hóa. Dự thảo cần tập trung vào các vấn đề miễn giảm thuế đất, công bố công khai quy hoạch, góp vốn bằng quyền sử dụng đất hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất… Hiện nay, theo Luật đất đai năm 2013 không còn hình thức nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nên sẽ rất khó có cơ chế ưu đãi về tiền sử dụng đất. Vì vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với Luật Đất đai hiện hành.

Về chính sách khuyến khích, hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp, theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP về thương hiệu, thương mại doanh nghiệp, chợ đầu mối nông sản, ưu đãi thuế, hỗ trợ lãi suất ngân hàng…, quy định theo mức, khung tối đa cao nhất.

Còn về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đây là nội dung trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 30/NQ-CP.  Trong đó, tập trung hỗ trợ trực tiếp để doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, mua công nghệ để đưa vào sản xuất; hỗ trợ phát triển khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt đã hỗ trợ xây dựng chợ thương mại điện tử nông sản quốc gia để tập trung sức mạnh thúc đẩy giao dịch hàng nông sản.

Về hạ tầng nông nông thôn, cần chú trọng để phát triển nông nghiệp như thủy lợi, chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm, chế biến sâu các sản phẩm chủ lực quốc gia và địa phương (gạo, cao su, cà phê, chăn nuôi…).

Hệ thống chính sách đồng bộ, nhất quán, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư vào địa phương (tỉnh qui định tỷ lệ hỗ trợ). Lưu ý chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có năng lực là cơ sở cho phát triển vùng. Bổ sung các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xã hội hóa phát triển hạ tầng cho nông thôn như: cung cấp nước sạch và xử lý môi trường; hỗ trợ sản phẩm có tiềm năng lợi thế, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, nhà ở công nhân.

Về cải cách thủ tục hành chính, cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Dự thảo cần rà soát các thủ tục giấy phép xây dựng tại khu vực nông thôn đảm bảo thuận tiện, phù hợp với Luật Xây dựng; các thủ tục nhận hỗ trợ của doanh nghiệp cần đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, giảm chi phí cho doanh nghiệp; đồng thời giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hình thức rút gọn, nhằm đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.