Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ kiểm toán

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ kiểm toán

(GD&TĐ)-Nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập, vừa qua, Chủ tịch nước  Nguyễn Minh Triết đã công bố Luật Kiểm toán độc lập.

d
Doanh nghiệp được lựa chọn dịch vụ kiểm toán

 Luật có hiệu lực thi hành sẽ tăng cường, quyền nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề và đơn vị được kiểm toán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dịch vụ kiểm toán, đặc biệt là đơn vị có lợi ích công chúng, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, Nhà nước và tổ chức liên quan.

Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp được kiểm toán theo quy định của Luật này gồm có:

1. Doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm: (i) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; (ii) Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng; (iii) Tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; (iv) Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.

2. Doanh nghiệp, tổ chức phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm: (i) Doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm; (ii) Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; (iii) Doanh nghiệp, tổ chức có vốn góp của Nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước khác do Chính phủ quy định phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm hoặc báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; (iv) Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm.

3. Doanh nghiệp, tổ chức khác tự nguyện được kiểm toán.

Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động kiểm toán được thực hiện không ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Luật Kiểm toán độc lập cũng đã quy định việc kiểm toán báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đối với doanh nghiệp, tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 37 của Luật này không thay thế cho việc kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Các đơn vị, doanh nghiệp được kiểm toán có các quyền:

- Lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán;

- Yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán và thông tin về kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam thực hiện kiểm toán;

- Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm toán;

- Đề nghị thay thế thành viên tham gia cuộc kiểm toán khi có căn cứ cho rằng thành viên đó vi phạm nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập trong quá trình thực hiện kiểm toán;

- Thảo luận, giải trình bằng văn bản về những vấn đề được nêu trong dự thảo báo cáo kiểm toán nếu thấy chưa phù hợp;

- Khiếu nại về hành vi của thành viên tham gia cuộc kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật;

- Yêu cầu bồi thường trong trường hợp doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam gây thiệt hại, v.v...

Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp được kiểm toán cũng phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định như:

- Cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời, khách quan thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu;

- Thực hiện yêu cầu của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam về việc thu thập bằng chứng kiểm toán theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán và điều chỉnh các sai sót để báo cáo kiểm toán không có ý kiến ngoại trừ đối với các nội dung không được ngoại trừ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 48 của Luật này;

- Phối hợp, tạo điều kiện cho kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán;

- Không được có hành vi hạn chế phạm vi các vấn đề cần kiểm toán;

- Xem xét đề nghị của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam về tồn tại, sai sót trong báo cáo tài chính và trong việc tuân thủ pháp luật để có biện pháp khắc phục kịp thời;

- Thông báo kịp thời, đầy đủ các vi phạm pháp luật và vi phạm hợp đồng kiểm toán trong hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Thanh toán phí dịch vụ...

Để đảm bảo hiệu quả và chất lượng của hoạt động kiểm toán độc lập, Luật này cũng quy định doanh nghiệp kiểm toán phải có ít nhất năm (05) kiểm toán viên hành nghề (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân...) và hai (02) kiểm toán viên hành nghề (đối với Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài), đồng thời Luật cũng quy định doanh nghiệp phải bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp, đạo đức tốt, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán và phải có Chứng chỉ kiểm toán viên...

Việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý cũng như hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập và tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ kiểm toán.

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

Ngọc Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.