Sách là kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội văn hóa đọc đang dần bị mai một. Việc hình thành thói quen đọc sách là điều rất quan trọng góp phần hình thành và phát triển trí tuệ cũng như nhân cách của trẻ. Vậy làm thế nào để hình thành thói quen đó cho trẻ? Có lẽ đó là câu hỏi của rất nhiều bậc phụ huynh.
Hãy để sách là người bạn thân thiết nhất của con
Susan B.Neuman, chuyên viên nghiên cứu về văn chương Đại học Michigan, Mỹ xác nhận rằng những đứa trẻ được cha mẹ đọc sách cho nghe càng sớm chừng nào thì khi đi học, trình độ đọc và viết sẽ hơn hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa. Khả năng đó sẽ phát triển mãi với đứa trẻ sau này. Nếu mỗi ngày bạn cùng con đọc một cuốn sách là bạn đã tạo cho con một thói quen tốt.
Chị Phạm Thanh Hà giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội và có cô con gái đang học lớp 3 chia sẻ: “Mặc dù mới học lớp 3 nhưng với con gái tôi sách có lẽ là người bạn thân nhất của con, nếu hỏi hàng ngày con thích làm gì nhất con sẽ trả lời là được đọc sách cùng mẹ, còn cuối tuần nơi con thích đến nhất là hiệu sách ở đó con có thể thoải mái nghiên cứu. Chị cho biết, có thể do đọc nhiều sách nên con rất giỏi lý luận, nhiều khi con gái ăn nói khá “bà cụ non”, thấy bố ít khi đọc sách có lần con nhắc khéo bố: “Sách có nhiều thứ hay lắm bố, bây giờ có thể bố chưa thích đọc sách nhưng bố chỉ cần cố gắng đọc mỗi ngày khoảng 5 trang thôi thì dần dần bố sẽ thích đọc nó. Muộn còn hơn không bố ạ”.
Khuyến khích con bằng cách coi đọc sách như chơi một trò chơi - Ảnh mang tính minh họa: Internet
Chị Hà cũng chia sẻ thêm: “Tôi là người rất thích đọc sách và hồi mang thai con tôi đang làm luận văn phải tìm đọc rất nhiều sách có thể con tôi có máu ham đọc sách là nhờ đó”. Theo chị, trẻ con thì đứa nào cũng vậy bạn không thể bắt con yêu sách ngay từ đầu được mà cha mẹ nên từ từ khám phá cùng con, công việc đấy phải diễn ra như một thói quen sinh hoạt hàng ngày để trẻ tìm thấy những điều lý thú trong sách. Nhưng để khơi gợi cảm hứng đọc sách cho con, bạn phải để trẻ thấy bố mẹ mình thường xuyên đọc sách chứ không thể ép con đọc sách mà người lớn suốt ngày cắm mặt vào điện thoại, ipad hay máy tính. Điều này rất hay gặp ở các gia đình thời hiện đại, có những ông bố, bà mẹ đọc truyện cho con nhưng lại đọc trên điện thoại như thế thì việc đọc trở nên phản tác dụng.
Còn chị Hoàng Thu Trang (nội trợ) có cậu con trai học lớp 2 cho biết: “Tôi đọc sách cho con nghe khá sớm từ lúc con chưa biết nói. Nhiều người cứ bảo tôi rỗi hơi, nhưng việc làm đó đã cho tôi thành quả là cậu con trai nhỏ bé của tôi hiện giờ rất thích đọc sách”. Tôi thường khuyến khích con bằng cách coi đọc sách như một trò chơi của hai mẹ con. Ngoài ra, tôi cũng thường mua sách tặng con những dịp đặc biệt như sinh nhật hay con hoàn thành tốt một công việc gì đó kèm theo đó là sẽ viết tặng những lời yêu thương với con lên sau bìa quyển sách. Vì thế mỗi lần được tặng sách con đều rất biết trân trọng và tỏ ra rất hạnh phúc vì món quà đó.
Hãy để trẻ thấy bạn thường xuyên đọc sách
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Trường Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Sách đem lại cho ta hàm lượng tri thức rất hay và phong phú, những thú vui mà sách đem lại khiến cho con người ta cảm thấy hạnh phúc, có thể coi đọc sách là những giây phút giải trí rất ý nghĩa”.
Chị Minh cũng đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ: “Phụ huynh phải xác định được rằng việc giải trí cho trẻ là rất cần thiết, trong đó có rất nhiều hình thức giải trí. Nhưng hình thức giải trí mang lại nhiều giá trị cho trẻ nhất chính là việc đọc sách, sách làm cho con người ta trưởng thành hơn, nhận thức chín chắn và cư xử đúng mực hơn. Đồng thời, sách có những rung cảm mà chúng ta không tìm thấy ở bên ngoài”.
Chị cho rằng: Tốt nhất là nên đọc từ trong bụng mẹ, lúc này người mẹ đọc là chính nhưng mẹ nên vừa đọc vừa nói với con. Tùy thuộc đặc điểm của từng lứa tuổi mà lựa chọn sách cho con, ví dụ con còn nhỏ không thể đọc sách nhiều chữ cho con. Với trẻ ngôn ngữ phải phù hợp lứa tuổi và cha mẹ nên vừa đọc vừa giải nghĩa. Cũng không nên đọc sách cho trẻ trong thời gian dài, chỉ nên đọc khoảng từ 5 – 10 phút vì trẻ không có khả năng tập trung lâu như người lớn.
Cha mẹ nên tạo thói quen đọc sách ngay từ sớm cho trẻ - Ảnh mang tính minh họa: Internet
Cha mẹ nên tạo thói quen đọc sách ngay từ sớm cho trẻ, muốn vậy thì cha mẹ chính là tấm gương tốt nhất cho trẻ và muốn vậy cha mẹ phải nhận thức được vai trò của việc đọc sách. “Trước hết bản thân cha mẹ phải tạo được thói quen đọc sách, nếu cha mẹ dành nhiều thời gian cho điện thoại, ipad… thì cũng đừng mong con mình sẽ hứng thú với sách”.
Theo chị việc khen ngợi là một hình thức khuyến khích rất hay và thiết thực cho trẻ. Khi trẻ tìm kiếm được câu trả lời từ sách thì cha mẹ nên củng cố bằng cách khen ngợi, càng khen nhiều trẻ sẽ càng có hứng thú hơn vì đối với con người tất cả các phản xạ đều hình thành dựa trên điều kiện. Ngoài ra, nếu muốn hình thành thói quen đọc sách cho trẻ thì cha mẹ nên có một khung giờ cố định để cùng con đọc sách dần dần thói quen đó sẽ trở thành nhu cầu tất yếu với trẻ.
Chị chia sẻ thêm: “Nhà tôi hay có thói quen đọc sách cho con vào mỗi buổi tối, chị thấy sách không chỉ dạy cho trẻ mà còn dạy cho người lớn nhiều bài học. Nếu mỗi ngày đọc sách cho con, nhận thức về xã hội của mình cũng khác đi”.