Phù hợp với học sinh
Là một tỉnh miền núi phức tạp về điều kiện địa hình địa lý và có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên Yên Bái luôn đề cao việc thực hiện chương trình thay sách hiệu quả, chất lượng. Để làm được điều đó, giáo viên là người đầu tiên tiếp cận với sách phải có sự tự tin, chủ động và trách nhiệm. Điều đầu tiên các thầy cô cần là tinh thần trách nhiệm cao tham gia các hội đồng chọn sách ở các trường tiểu học và THCS trên địa bàn toàn tỉnh. Để đạt được yêu cầu chất lương và phù hợp với hoạt động dạy – học cho từng nhà trường.
Theo như cách mà Yên Bái thực hiện, việc lựa chọn sách giáo khoa được tổ chức tuần tự từ các nhà trường trên cơ sở góp ý của giáo viên trực tiếp dạy học, các tổ chuyên môn và ban giám biệu, Phòng GD&ĐT tổng hợp, báo cáo Sở GD&ĐT danh mục sách giáo khoa được các trường thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất lựa chọn; Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa thảo luận và quyết định danh mục sách báo cáo Sở GD&ĐT trình cấp có thẩm quyền chính thức phê duyệt danh mục.
Quan điểm này được quán triệt đến từng cán bộ, giáo viên các nhà trường để mọi người cùng hiểu Chương trình GDPT 2018 là cuộc đổi mới sách giáo khoa và chương trình học lớn, khoa học và hiện đại nhất từ trước tới nay. Từ chương trình định hướng nội dung đã chuyển sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Việc lựa chọn sách phù hợp với học sinh của mình là rất quan trọng, quyết định chất lượng dạy học trong mỗi nhà trường.
Sách giáo khoa mới phải đạt tiêu chí phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số |
Qua triển khai thay sách lớp 1 – 2 và 6, các giáo viên đều khẳng định: Học sinh mạnh dạn, tự tin hơn, nội dung chương trình mới và sách giáo khoa có nhiều điểm mới, phương pháp giáo dục theo hướng "phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh”. Giáo viên không truyền đạt kiến thức như trước đây mà vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động để học sinh tham gia, tìm tòi và làm chủ kiến thức. Vai trò của người thầy quyết định phần lớn hiệu quả thực hiện chương trình.
Ở huyện miền núi Trạm Tấu, thầy giáo Phạm Mạnh Tưởng, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Theo đánh giá của giáo viên, nội dung sách giáo khoa về cơ bản đã đạt được các yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học, hoạt động giáo dục, năng lực và phẩm chất; học sinh tự tin, tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động học tập, tỷ lệ học sinh hoàn thành môn học, hoạt động giáo dục và đạt các năng lực phẩm chất cao hơn so với năm học trước. Với một huyện miền núi có nhiều học sinh dân tộc H’Mông như Trạm Tấu thì sách mới đã giúp hoạt động dạy – học hiệu quả, chất lượng hơn.
Chung sức tạo sự đổi thay
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học: Hơn ai hết giáo viên trực tiếp đứng lớp hiểu rõ về đặc điểm học sinh dân tộc mình đang dạy. Các thầy cô mới đưa ra những điểm cần bổ sung, điều chỉnh nội dung dạy học, xác định nội dung cần điều chỉnh trong các bài học cụ thể. Cũng chính họ mới nhận thấy thiết kế được bài học theo định hướng phát triển năng lực thể hiện rõ những đổi mới về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sao cho hiệu quả phù hợp với học sinh mình nhất.
Để giúp thầy cô thực hiện việc này, Sở GD&ĐT thành lập nhiều đoàn công tác, cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia việc hỗ trợ giáo viên qua các hình thức: dự giờ, thăm lớp, dự tiết dạy chuyên đề, trao đổi trực tiếp với giáo viên để chia sẻ, nắm bắt những thuận lợi, khó khăn của giáo viên trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục, xây dựng kế hoạch dạy học, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo trong thực hiện giảng dạy... để kịp thời tư vấn, giúp đỡ giáo viên giải quyết thắc mắc, khó khăn.
Sách mới đáp ứng được yêu cầu chất lượng, phát huy năng lưc của học sinh |
Các phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường bố trí đội ngũ theo hướng đảm bảo cân đối, hợp lý. Đặc biệt, đã bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp đối với các môn học thiếu giáo viên và các môn học mới, trong đó ưu tiên bố trí giáo viên cho các lớp thực hiện chương trình GDPT 2018. Công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên được triển khai từ sớm, giáo viên trong toàn ngành có ý thức cao trong việc tự nghiên cứu phương pháp dạy và học, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật với những kiến thức mới, những phương pháp giáo dục hiện đại.
Để nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, các phòng cũng tổ chức nhiều chuyên đề cấp huyện, 100% số trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Các đơn vị trường học trên địa bàn huyện, đặc biệt là các trường học vùng khó, khắc phục khó khăn, có nhiều sáng tạo trong thực hiện. Những quyết liệt trong chỉ đạo của ngành và những vận dụng linh hoạt của các nhà trường, cùng các hình thức bồi dưỡng phong phú đã giúp giáo viên hiểu và thực hiện tốt về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và sử dụng thiết bị.