Tạo sự đồng thuận xã hội đưa trẻ trở lại trường sau Tết

GD&TĐ - Sau kì nghỉ Tết, học sinh Gia Lai ở vùng dịch cấp độ 1 đi học trực tiếp;đối với vùng cấp độ 2 và 3, học sinh tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc khỏi bệnh Covid-19 cũng sẽ học trực tiếp từ ngày 7/2.

Học sinh Gia Lai tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19.
Học sinh Gia Lai tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19.

Học sinh tiêm đủ 2 mũi đến trường học trực tiếp

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, ngành Giáo dục địa phương đã lên kế hoạch đón học sinh quay trở lại trường sau Tết và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo ông Định, thời gian qua, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên học sinh một số xã, huyện, thành phố không thể đến trường học trực tiếp. Đặc biệt tại thành phố Pleiku trong học kì I đa số học sinh phải học trực tuyến. Do đó không đảm bảo chất lượng dạy và học.

Chính vì vậy, sau khi có công văn của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức dạy học trực tiếp và công văn của UBND tỉnh về việc hướng dẫn triển khai một số biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh thì Sở GD&ĐT đã có văn bản triển khai tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục sau kỳ Nghỉ Tết Nguyên đán.

"Căn cứ vào văn bản của Sở các trường sẽ xây dựng một kế hoạch chi tiết để phòng chống dịch một cách hiệu quả khi cho học sinh đến trường học trực tiếp", ông Định nói.

Theo ông Định, căn cứ tình hình dịch Covid-19 tại địa phương sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cấp THCS, THPT ở các địa phương có cấp độ dịch là cấp 1 tổ chức hoạt động dạy và học trực tiếp kể từ ngày 7/2.

Còn tại các địa phương có cấp độ dịch là cấp 2 và cấp 3 tổ chức hoạt động dạy và học trực tiếp có kết nối để học trực tuyến kể từ ngày 7/2. Tuy nhiên, học sinh, sinh viên khi đến trường học trực tiếp phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính. Riêng những trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng Covid-19 thì học trực tuyến.

Đối với những địa phương cấp độ dịch là cấp 4 thì học sinh vẫn học trực tuyến. Còn với các trường có tổ chức mô hình nội trú/bán trú thì nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong thời gian học sinh ở trường.

"Để đảm bảo an toàn 2 tuần qua Sở vừa cho học sinh học trực tiếp, vừa học trực tuyến. Những học sinh ngại, lo lắng vì tình hình dịch bệnh có thể học trực tuyến tại nhà. Đây cũng coi như là bước khởi động cho những tuần học sau Tết", ông Định nói.

Học thí điểm với học sinh Mầm non và Tiểu học

Phụ huynh mong muốn con em mình đến trường học trực tiếp.
Phụ huynh mong muốn con em mình đến trường học trực tiếp.

Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, đối với cấp học Mầm non và Tiểu học thì đơn vị giao cho Trưởng phòng GD&ĐT tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định tổ chức thí điểm tại một số cấp học và một số địa phương trong tuần đầu tiên (từ ngày 7/2).

Theo ông Định, sau một tuần học sẽ tổ chức đánh giá, rà soát tình hình học tập và diễn biến dịch bệnh sau đó cho toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh đi học tập trung bắt đầu từ ngày 14/2.

“Trước khi đón học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức tuyên truyền và lấy ý kiến phụ huynh học sinh. Từ đó, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, sự hợp tác của cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, lên kế hoạch cụ thể để đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường học tập. Trong những tuần học đầu tiên sau Tết Nguyên đán các trường vừa dạy kiến thức mới, đồng thời ôn tập lại bài học cũ để học sinh nắm vững”, ông Định nói.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường học trực tiếp, ông Định yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng phương án phân luồng, kiểm soát chặt chẽ lộ trình, phạm vi giao tiếp của học sinh ngay từ ngày đầu tiên đến trường. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, tiến hành vệ sinh, khử khuẩn trường lớp trước khi cho học sinh đến trường.

Trường học tại Gia Lai phun thuốc khử khuẩn.
Trường học tại Gia Lai phun thuốc khử khuẩn.

Chị Trần Nguyễn Ngọc Uyên (TP Pleiku) không giấu được vui mừng khi nghe thông tin, sau Tết Nguyên đán học sinh sẽ được đến trường học trực tiếp.

Chị Uyên tâm sự, nhiều tháng qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên 2 người con của chị, gồm một đứa học lớp 3 và một cháu lên 4 tuổi không thể đến trường học trực tiếp. Do đó, chị phải gửi nhờ con cho họ hàng trông giúp nên rất vất vả.

“Khi hay tin các trường sẽ mở cửa đón học sinh sau Tết gia đình tôi rất vui và ủng hộ. Bởi hiện nay dịch bệnh đã được khống chế phần nào. Đồng thời, các trường học đã lên nhiều phương án đảm bảo an toàn cho các con nên tôi rất tin tưởng và không còn lo lắng. Tôi hy vọng các con sẽ sớm được đến trường gặp bạn bè, thầy cô. Đồng thời việc tiếp thu kiến thức trực tiếp sẽ đảm bảo hơn khi học trực tuyến”, chị Uyên chia sẻ.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Nhóm sinh viên và thiết kế trạm lắp ráp giúp tăng năng suất trong các nhà máy.

Trạm lắp ráp tùy biến theo nhân trắc học

GD&TĐ - Trạm lắp ráp điều chỉnh vị trí và cao độ bàn làm việc, hộp đựng chi tiết theo nhân trắc học của công nhân, bảo đảm thoải mái, không gây mệt mỏi…

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.