Học sinh Hà Nội hăng hái tham gia “tuyến đê nở hoa” chào đón Xuân Nhâm Dần 2022

GD&TĐ - Trong hai tuần qua, các em học sinh và đoàn thanh niên xã Đông La (huyện Hoài Đức) đã hăng hái tham gia vẽ tranh bích họa cũng như trồng hoa, cây xanh cho dự án "tuyến đê nở hoa" để chào đón Xuân mới 2022.

Học sinh, đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay vẽ nên những bức tranh tươi mới trên cơ đê để chào đón Xuân Nhâm Dần 2022.
Học sinh, đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay vẽ nên những bức tranh tươi mới trên cơ đê để chào đón Xuân Nhâm Dần 2022.

Những ngày này, các dốc cơ đê của tuyến đường đê nối 9 xã của huyện Hoài Đức – TP Hà Nội đã được “thay áo mới” bởi những bức tranh bích họa đồng quê. Đó là sự tham gia nhiệt tình của nhiều lực lượng như đoàn viên thanh niên, phụ nữ, học sinh các xã có tuyến đê chạy qua để hoàn thành “tuyến đê nở hoa” trước dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Từ mô hình tuyến đê nở hoa kiểu mẫu được thực hiện điểm tại xã Đắc Sở, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoài Đức đã nhân rộng mô hình tới 9 xã có tuyến đê chạy qua gồm: Đông La, Song Phương, An Thượng, Tiền Yên, Yên Sở, Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai. Điều này đã góp phần làm đẹp đôi bờ sông Đáy, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn mới theo hướng sáng - xanh - sạch – đẹp.

Các em được trải nghiệm thông qua hoạt động thực tế giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Các em được trải nghiệm thông qua hoạt động thực tế giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Ghi nhận của Báo Giáo dục & Thời đại tại đoạn đê chạy qua xã Đông La huyện Hoài Đức, công tác tô vẽ tranh bích họa được thực hiện khẩn trương. Đặc biệt, ngoài lực lượng đoàn thanh niên của xã còn có sự tham gia của các em học sinh của xã Đông La. Tùy tình hình thời tiết và sự tự nguyện của các em, thầy cô sẽ huy động khoảng 20 em mỗi ngày ra để cùng nhau vẽ tranh.

Cầm trên tay bút lông và màu vẽ, em Vũ Anh Thư - học sinh lớp 9 Trường THCS Đông La vui vẻ cho biết: "Khi được thầy cô thông báo về kế hoạch này, chúng em rất vui và nhanh chóng đăng ký tham gia. Sau những buổi học trên lớp mà được ra dốc đê ngay cạnh trường vẽ tranh cùng các bạn thì ai cũng phấn khởi. Đó không chỉ là sự rèn luyện tính kiên trì, tỉ mỉ mà cũng là góp phần thiết thực vào tô thắm cho tuyến đê của quê hương thêm đẹp hơn". 

Chị Nguyễn Thị Oanh - Bí thư BCH Đoàn Thanh niên xã Đông La.

Chị Nguyễn Thị Oanh - Bí thư BCH Đoàn Thanh niên xã Đông La.

Chị Nguyễn Thị Oanh - Bí thư BCH Đoàn Thanh niên xã Đông La cho hay, Mặt trận tổ quốc và các ban ngành đoàn thể xã đang thực hiện dự án "tuyến đê nở hoa". Riêng lực lượng đoàn viên thanh niên phụ trách tô vẽ tranh tường cơ đê với chiều dài khoảng 2km. Với sự tham gia nhiệt tình nên đến ngày 28 Tết đã hoàn thành công việc. Điều này làm cho diện mạo của con đê thêm phần sinh động, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. 

Ngoài ra, lực lượng thanh niên đã tích cực tuyên truyền vận động đoàn viên, nhân dân địa phương chung tay góp công, góp của phát quang cây cỏ, cải tạo đất, loại bỏ sỏi đá, bổ sung đất màu; phối hợp với các cơ quan quản lý đê điều lựa chọn các loại cây hoa, cây cảnh phù hợp vừa tạo cảnh quan đẹp vừa đảm bảo được kết cấu đê; dễ trồng, dễ chăm sóc… Việc này nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo người dân.

Trước khi triển khai tô vẽ tranh tường thì công tác vệ sinh cơ đê cần phải thực hiện thật kỹ.

Trước khi triển khai tô vẽ tranh tường thì công tác vệ sinh cơ đê cần phải thực hiện thật kỹ.

Là người trực tiếp tham gia và hướng dẫn các em học sinh tô vẽ tranh tường, thầy Văn Công Thư, giáo viên Trường THCS Đông La chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất khi làm chính là ở khâu giải tỏa hành lang cơ đê cũng như dọn dẹp, vệ sinh cơ đê để có thể sơn lót, sau đó mới vẽ. Những ngày mưa thì không thể vẽ mà phải phụ thuộc vào thời tiết khô ráo, nắng ấm mới triển khai được. Thông qua hoạt động này, giúp các em có thể củng cố thêm năng khiếu về hội họa cũng như giáo dục lối sống lành mạnh, bảo vệ môi trường từ những điều nhỏ nhất". 

Mỗi một đoạn đê sẽ được vẽ những bức tranh về nhiều màu sắc và chủ đề khác nhau như thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch Covid-19, cảnh sinh hoạt nơi đồng quê thôn dã… Tất cả hiện lên bằng những gam màu tươi mới, tinh tế trong từng nét vẽ. Hoạt động này đã nhận được sự đồng hành, ủng hộ của đông đảo người dân. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.