Tạo ra vắc-xin chống nấm gây bệnh ở ếch

GD&TĐ - Hệ vi sinh vật của người hoặc động vật là tập hợp các vi sinh vật thường có lợi, bao gồm cả vi khuẩn và nấm.

Ếch và các loài lưỡng cư khác đang bị đe dọa bởi nấm chytrid.
Ếch và các loài lưỡng cư khác đang bị đe dọa bởi nấm chytrid.

Chúng sống trong cơ thể vật chủ. Đồng thời, có thể đóng một vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch tổng thể của vật chủ. Song, tác động của vắc-xin chống lại mầm bệnh có hại cho hệ vi sinh vật vẫn chưa rõ ràng.

Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Trường Đại học Penn State (Mỹ) dẫn đầu đã phát hiện, một loại vắc-xin mới chống lại nấm chytrid gây tử vong ở ếch có thể thay đổi thành phần của hệ vi sinh vật. Từ đó, giúp ếch kiên cường hơn khi tiếp xúc với loại nấm này trong tương lai.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Philosophical Transactions of the Royal Society B. Các nhà khoa học gợi ý rằng, phản ứng của hệ vi sinh vật có thể là một phần quan trọng, nhưng lại bị bỏ qua đối với hiệu quả của vắc-xin.

Gui Becker - Phó Giáo sư Sinh học tại Trường Đại học Penn State, Trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết: “Các vi sinh vật tạo nên hệ vi sinh vật của động vật thường có thể giúp bảo vệ chống lại mầm bệnh, chẳng hạn như bằng cách tạo ra các chất có lợi. Hoặc, chúng cạnh tranh với mầm bệnh để giành không gian hoặc chất dinh dưỡng”.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng ếch làm hệ thống mô hình. Ếch và các loài lưỡng cư khác đang bị đe dọa bởi nấm chytrid. Loại nấm này đã dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài. Đồng thời, gây suy giảm dân số nghiêm trọng ở hàng trăm loài khác trên khắp các châu lục. Ở những loài nhạy cảm, loại nấm này gây bệnh ngoài da.

“Chytrid là một trong những mầm bệnh tồi tệ nhất đối với việc bảo tồn động vật hoang dã trong lịch sử gần đây. Cần phải phát triển các công cụ để kiểm soát sự lây lan của nó”, Phó Giáo sư Becker cho biết.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, trong một số trường hợp, vắc-xin có thể tạo ra sự thay đổi bảo vệ hệ vi sinh vật. Điều này cho thấy, việc điều khiển cẩn thận hệ vi sinh vật có thể được sử dụng như một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm giúp động vật lưỡng cư và cả các loài động vật có xương sống khác đối phó với mầm bệnh mới.

Các nhà nghiên cứu đã áp dụng một loại vắc-xin. Trong trường hợp này là liều lượng không gây chết người của sản phẩm trao đổi chất do nấm chytrid tạo ra cho nòng nọc. Sau năm tuần, họ quan sát thấy thành phần của hệ vi sinh vật đã thay đổi.

Nhóm đã xác định từng loài vi khuẩn và tỷ lệ tương đối của chúng. Các nhà nghiên cứu cũng nuôi cấy từng loài vi khuẩn trong phòng thí nghiệm. Sau đó, kiểm tra xem các sản phẩm dành riêng cho vi khuẩn có hỗ trợ, ức chế hoặc không ảnh hưởng đến sự phát triển của chytrid hay không. Từ đó, bổ sung và so sánh kết quả với một cơ sở dữ liệu lớn về thông tin này.

Bà Samantha Siomko - đồng tác giả - cho biết: “Việc tăng nồng độ và thời gian tiếp xúc với sản phẩm phòng ngừa chytrid đã thay đổi đáng kể thành phần của hệ vi sinh vật. Từ đó, có tỷ lệ vi khuẩn sản xuất chất chống chytrid cao hơn”. Sự thay đổi bảo vệ này cho thấy, nếu một con vật lại tiếp xúc với cùng một loại nấm, thì hệ vi sinh vật của nó sẽ có khả năng chống lại mầm bệnh tốt hơn.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.