Tạo đột phá trong đổi mới giáo dục Vùng đồng bằng sông Hồng

GD&TĐ - Quan điểm phát triển GD-ĐT vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Ngô Quý Đăng (phải) và Phạm Việt Hưng (trái) giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2022.
Ngô Quý Đăng (phải) và Phạm Việt Hưng (trái) giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2022.

Cùng với đó phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội…

Bảo đảm công bằng giáo dục

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng và 9 tỉnh: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Với 11 địa phương, hệ thống trường lớp học được củng cố, mở rộng và phân bố đều đến hầu hết địa bàn từ nội thành đến ngoại thành, thành thị đến vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho trẻ trong độ tuổi giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) đều được đi học và đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.

Cụ thể, 100% đơn vị cấp xã đều có trường mầm non và tiểu học; hầu hết các xã đã có trường THCS; các huyện, thành phố đều có ít nhất 1 trường trung học phổ thông (THPT). Nhiều địa phương đã xây dựng trường THCS, THPT liên xã. Theo số liệu thống kê, năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 11.440 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (tăng 203 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông so với năm học 2010 - 2011).

Tỷ lệ lớp/trường các cấp học của vùng Đồng bằng sông Hồng đều cao hơn so với bình quân cả nước. Trong đó, tỷ lệ lớp/trường cấp tiểu học là 21,11; cao hơn 2,23 so với bình quân cả nước, đứng thứ hai trong sáu vùng kinh tế - xã hội, sau vùng Đông Nam Bộ (25,55).

Tỷ lệ lớp/trường cấp THCS là 15, cao hơn 0,21 so với bình quân cả nước, đứng thứ ba trong sáu vùng kinh tế - xã hội, sau vùng Đông Nam Bộ (28,94) và Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (18,35). Tỷ lệ lớp/trường cấp THPT là 15,35; cao hơn 1,64 so với bình quân cả nước, đứng thứ hai trong sáu vùng kinh tế - xã hội, sau vùng Đông Nam Bộ (27,23).

Trong giai đoạn 2017 - 2022, số học sinh đạt giải quốc gia của vùng Đồng bằng sông Hồng là 1.487 học sinh, chiếm 22,07% số học sinh đạt giải của cả nước. Trong đó, tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023, có 6/11 tỉnh trong vùng và Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong top 10 địa phương, đơn vị có nhiều giải học sinh giỏi quốc gia và nhiều giải Nhất học sinh giỏi quốc gia.

Tuy nhiên, do có mật độ dân số cao nhất cả nước, nên đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục, sĩ số học sinh/lớp của vùng đều cao hơn so với bình quân cả nước. Trong đó, sĩ số học sinh/lớp cấp tiểu học và THCS của vùng đứng thứ hai trong các vùng kinh tế - xã hội (sau vùng Đông Nam Bộ) và cao hơn bình quân cả nước lần lượt là 4,56 và 1,23. Sĩ số học sinh/lớp cấp THPT cao hơn 1,38 so với bình quân cả nước và đứng đầu cả nước.

Các địa phương đã chú trọng công tác huy động học sinh nhập học đúng độ tuổi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở cả ba cấp học đều gia tăng và đứng đầu cả nước. Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi các cấp lần lượt là 99,9% đối với cấp tiểu học; 98,7% đối với cấp THCS và 92,9% đối với cấp THPT.

Tỷ lệ học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào học THCS đạt 99,7% (tăng 2,39% so với thời điểm năm học 2010 - 2011). Tỷ lệ học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục THCS và THPT lần lượt là 98,9% và 76,5% (cao hơn 12,1% và 18,4% so với bình quân cả nước và đứng đầu cả nước).

Bên cạnh đó, các địa phương cũng có nhiều học sinh tham gia và đoạt giải cao trong Kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THPT, Giải Điền kinh học sinh phổ thông toàn quốc, Giải Vô địch bóng đá sinh viên toàn quốc, Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 20… đây là những sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN chụp ảnh cùng các học sinh tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2023.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN chụp ảnh cùng các học sinh tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2023.

Khẳng định chất lượng

Thực hiện quan điểm về phát triển GD-ĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng hướng đến nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, đảm bảo cho trẻ em được hình thành nền tảng ban đầu cho những phẩm chất và kỹ năng sống cơ bản; tăng cường phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình và cộng đồng. Hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1.

Quy hoạch mạng lưới trường, lớp, đầu tư phát triển giáo dục mầm non; hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục mầm non, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung đông dân cư.

Phấn đấu đến năm 2030, đủ số lượng giáo viên mầm non theo quy định, 100% giáo viên mầm non đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên. Đến 2030, 76% trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Với giáo dục phổ thông, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông trong vùng bảo đảm điều kiện tối thiểu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất ở vùng có khu công nghiệp. Duy trì hệ thống giáo dục phổ thông công lập, khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở giáo dục phổ thông tư thục nhằm tạo cơ hội và điều kiện tiếp cận giáo dục cho học sinh.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong vùng. Duy trì ổn định chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Phấn đấu đến năm 2030, 50% số tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 89% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục phổ thông và tương đương.

Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục tiểu học khoảng 95%, THCS khoảng 90% và THPT khoảng 68%.

Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; chỉ đạo, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm đạo đức và lối sống.

Phấn đấu đến năm 2030, 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, 10% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT hệ giáo dục thường xuyên; 20% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề (trong số 15% học sinh vào giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, có 5% số học sinh vào các luồng khác).

Triển khai có hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác xóa mù chữ để nâng cao tỷ lệ biết chữ cho người dân. Phấn đấu đến năm 2030, 100% số tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 50% số tỉnh được công nhận danh hiệu tỉnh học tập theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, đầu tư, phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, một số trường đại học lớn, đa ngành theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước. Tập trung đầu tư xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, thế giới.

Đến năm 2045, vùng trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.

Bảo đảm đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cho các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Đảm bảo đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và chất lượng. Thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non và phổ thông được đầu tư mua sắm đầy đủ; bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đạt mức tối thiểu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ