Tạo đột phá mới trong giáo dục đại học

GD&TĐ - Nếu như năm 2014, Luật GD Nghề nghiệp được thông qua chỉ với 55,13% số phiếu thì chiều 19/11/2018, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH với tỷ lệ tán thành 84,12%. 

Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trao đổi nội dung học thuật trên giảng đường
Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trao đổi nội dung học thuật trên giảng đường

Nhiều đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cơ sở GDĐH đánh giá cao điều này và cho rằng, Luật sẽ có tác động tích cực đến hệ thống GDĐH Việt Nam, là kim chỉ nam cho GDĐH phát triển; vấn đề quan trọng hiện nay là cách thức triển khai như thế nào để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.

Chất lượng Luật tốt, khả thi

Lý giải sự đồng thuận khá cao khi bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - nhận định: Chất lượng của Luật tốt; lần này đã sửa đổi cơ bản, nâng thêm tầm của Luật GDĐH ở mức phổ quát hơn. Quan trọng nhất, là đã “tách” được phần của GD nghề nghiệp ra, nên khái niệm đầu tiên của cơ sở GDĐH thể hiện đúng bản chất của GDĐH.

Bên cạnh đó, Luật có nhiều điểm có tính chất phổ quát để khắc phục những tồn tại, thiếu sót của Luật hiện hành. Ví dụ như thống nhất lại hệ thống GDĐH, nâng cao chất lượng, vấn đề kiểm định... và một số chính sách trong quá trình thực hiện chưa tốt được xử lý như cử tuyển, chính sách tín dụng cho sinh viên sư phạm. Cũng phải nói đến việc những điều khoản quy định cho các ngành, các cấp cụ thể hơn… Đó là những lý do Luật sửa đổi, bổ sung một số điều củaLuật GDĐH được phần đa đại biểu Quốc hội tán thành, thông qua.

Luật GDĐH vừa được Quốc hội thông qua có tác động tích cực đến cả hệ thống GDĐH
  • Luật GDĐH vừa được Quốc hội thông qua có tác động tích cực đến cả hệ thống GDĐH

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi khẳng định, Luật này được ban hành chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hệ thống GDĐH Việt Nam hiện nay. “Về cơ bản, các định hướng trong hệ thống pháp luật đã đầy đủ và đã đúng định hướng, có tính khả thi. Vấn đề quan trọng là tổ chức triển khai thực hiện. Tôi cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH chắc chắn có tác động tích cực, tạo chuyển biến trong hệ thống GDĐH và cũng là nền tảng để chúng ta sắp xếp lại các cơ sở GDĐH, nâng cao chất lượng GDĐH; quan trọng là gắn GD đào tạo ĐH với nhu cầu sử dụng và gắn với thị trường lao động” - ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.

Tương tự quan điểm của ông Hồ Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cho rằng: Những vấn đề được các đại biểu đưa ra thảo luận, trăn trở, cân nhắc đều được Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH tiếp thu, chỉnh sửa và được đánh giá cao. Còn một số ý kiến trao đổi lại, như sao không ban hành trước Luật GD sửa đổi, nhưng vì thấy Luật có tính khả thi rất cao, những vấn đề các đại biểu quan tâm đều được tiếp thu, chỉnh sửa, nên nhiều đại biểu đồng thuận bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH.

Để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống

Góp ý để Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng tích cực với sự phát triển của GDĐH, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Điều đầu tiên cần nhanh chóng hoàn thiện các nghị định hướng dẫn để làm sao khi Luật có hiệu lực thi hành thì các nghị định phải được ban hành rồi, đó là điều hay bị vướng mắc. Thứ hai là tổ chức tuyên truyền, triển khai ngay trong các cơ sở GDĐH và trong nhân dân. Thứ ba, cần chuẩn bị các điều kiện khi thay đổi các cơ cấu thiết chế trong nhà trường, chẳng hạn như vấn đề Hội đồng trường và những vấn đề quan trọng phải xử lý khác...

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh nhấn mạnh đến công tác thông tin, tuyên truyền; đặc biệt cần nhanh chóng ban hành các văn bản dưới luật. Bởi trên thực tế, có luật đã được thông qua một năm nhưng do văn bản dưới luật ban hành chậm, nên áp dụng rất khó khăn.

Luật mới tạo sự cạnh tranh mạnh giữa các cơ sở GDĐH trong đào tạo và tuyển sinh
Luật mới tạo sự cạnh tranh mạnh giữa các cơ sở GDĐH trong đào tạo và tuyển sinh 

“Riêng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, tôi thấy Ban soạn thảo đã tiếp thu gần như cơ bản ý kiến các đại biểu Quốc hội, những vấn đề cử tri quan tâm, trăn trở hầu như được khắc phục, nên tôi cho rằng, Luật sẽ dễ đi vào cuộc sống hơn” - đại biểu Hồ Thị Minh nêu quan điểm.

Cho rằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH được thông qua sẽ có tác động tích cực đến hệ thống GDĐH Việt Nam, theo đại biểu Hồ Thị Minh, các cơ sở GDĐH sẽ có được một cơ chế tốt cả trong hoạt động, tuyển sinh, đào tạo...; đồng thời cũng dễ dàng giúp hệ thống GDĐH Việt Nam hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, với những trường chất lượng đào tạo chưa đảm bảo sẽ gặp khó khăn. Luật đi vào cuộc sống sẽ là lực đẩy, buộc các trường phải nỗ lực nâng cao chất lượng để có thể tồn tại, cạnh tranh.

Đại diện cơ sở GDĐH, NGƯT.PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp - đánh giá Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH vừa thông qua đã được xây dựng rất chặt chẽ và được gửi lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong xã hội, những nội dung sửa đổi đã đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới và phát triển của GDĐH Việt Nam.

Để triển khai tốt Luật này, với Trường ĐH Đồng Tháp, theo PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, bên cạnh nhiều giải pháp chiến lược đã và đang triển khai, nhà trường sẽ tập trung phát triển chương trình đào tạo theo hướng “chuỗi” từ trường ĐH đến doanh nghiệp, từ trường ĐH đến cơ sở GD sử dụng giáo viên; giảm giờ lí thuyết, tăng cường thực hành ở các doanh nghiệp và cơ sở GD; thiết lập và phát triển mối liên kết phối hợp giữa các bộ môn của trường với cơ sở sử dụng lao động thực hiện định hướng “chuỗi” này. Từ đó, trường có thể hướng tới việc cam kết với xã hội và người học ở một số ngành là đảm bảo ra trường có việc làm. “Nếu không có việc làm, nhà trường hoàn trả lại học phí đào tạo” - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.