Duy trì và mở rộng việc làm
Từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi tạo việc làm, tỉnh Thái Nguyên đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tạo đòn bẩy hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH nhiều phòng giao dịch NHSXH các huyện trong tỉnh Thái Nguyên đã triển khai ngay việc giải ngân cho khách hàng. Tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, đã duy trì và mở rộng việc làm đã tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ gia đình, người lao động, đặc biệt là các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất kinh doanh góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong lĩnh vực kinh doanh, cây trồng, vật nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tác động tích cực đến việc nhận thức, cách làm ăn, chuyển dần số lao động nông thôn thuần túy sang các ngành nghề khác có mức thu nhập cao, giải quyết, duy trì việc làm cho số lao động nhàn rỗi, dôi dư trong xã hội.
Tính đến ngày 31/8/2023 tổng nguồn vốn vay toàn huyện là 76,420 triệu đồng, tăng 10,173 triệu đồng so với 31/12/2022 trong đó, nguồn vốn từ trung ương là 6.844 triệu đồng. Nguồn vốn do ngân hàng chính sách xã hội huy động là 48.988 triệu đồng tăng 6,000 triệu đồng so với 31/12/2022. Tổng số dự án đang thực hiện trong toàn huyện là 1.497 dự án đã tạo việc làm cho 1,497 lao động, trong đó, các dự án cho vay chủ yếu thuộc các sản xuất lĩnh vực Nông, lâm nghiệp 1,410 dự án với số tiền là 71.322 triệu đồng, thu hút 1,410 lao động. Dự án cho vay lĩnh vực Công nghiệp, xây dựng 16 dự án với số tiền là 810 triệu đồng, thu hút 16 lao động. Dự án cho vay lĩnh vực Dịch vụ 71 dự án với số tiền 4.007 triệu đồng, thu hút 71 lao động.
Triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi
Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tạo đòn bẩy hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. |
Còn đối với huyện Định Hoá, Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Định Hóa đã triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, giúp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ lĩnh vực nông, lâm nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ở huyện Định Hóa được vay vốn phát triển kinh tế, mua sắm vật tư máy móc thiết bị, thu hút tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo và giải quyết việc làm.
Theo đó, tổng nguồn vốn cho vay đến ngày 31/8/2023 là 77.594 triệu đồng. Trong đó nguồn vốn trung ương quản lý là 5.886 triệu đồng, nguồn vốn Ngân sách địa phương là 13.212 triệu đồng. Nguồn vốn ngân hàng chính sách huy động là 58.496 triệu đồng. Tổng số dự án đang thực hiện trên địa bàn huyện Định Hoá là 1.091 dự án, với số tiền còn dư nợ 76.953 triệu đồng.
Tổng số dự án cho vay mới đến ngày 31/8/2023 là 169 dự án với số tiền cho vay là 12.530 triệu đồng, tạo việc làm cho 169 lao động. Các dự án cho vay thuộc lĩnh vực Nông, lâm nghiệp là 157 dự án với số tiền là 11.810 triệu đồng thu hút 157 lao động. Dự án cho vay lĩnh vực Dịch vụ là 12 dự án với số tiền là 720 triệu đồng thu hút 12 lao động.
Ông Hoàng Văn Thương (SN: 1964) người dân tộc Tày, xóm Quyết Tâm, xã Trung Lương, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã được vay 100 triệu trong vòng 60 tháng để phát triển mô hình trồng nấm.
Theo ông Thương gia đình ông trước đây chủ yếu làm ruộng, thu nhập thấp không ổn định, tuy nhiên sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, ông đã phát triển mô hình trồng nấm với quy mô 400m2, với hai loại nấm chủ yếu là nấm linh chi và nấm sò, nhờ đó thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể so với trồng lúa. Trung bình mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng, với số tiền trên gia đình ông đã bớt đi gánh lo, cải thiện cuộc sống.
Như vậy, xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình quan trọng, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng đến tất cả các Điểm giao dịch xã trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận nguồn vốn.