Thái Nguyên thúc đẩy các giải pháp phát triển công dân số

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thái Nguyên đang nỗ lực hướng đến mục tiêu thực hiện chuyển đổi số dựa vào 3 yếu tố trụ cột là: Xã hội số, Chính phủ số và Kinh tế số.

Thái Nguyên thúc đẩy các giải pháp phát triển công dân số.
Thái Nguyên thúc đẩy các giải pháp phát triển công dân số.

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Thái Nguyên luôn xác định chuyển đổi số là để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi. Đây cũng là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do đó, để tiến trình chuyển đổi số đạt được hiệu quả, vấn đề đầu tiên là cần xây dựng nền tảng về tư duy, nhận thức về chuyển đổi số trên các lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số…

Vấn đề nâng cao nhận thức về chuyển đổi số rất quan trọng và cấp thiết. Vì thế, Sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung nâng cao nhận thức về chuyển đổi số với từng đối tượng và nội dung cụ thể, đẩy mạnh hoạt động phát triển mô hình tuyên truyền trong các cơ sở giáo dục đào tạo để nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho các công dân số tương lai, cũng như an toàn thông tin vào các trường học với nội dung phù hợp cho học sinh, sinh viên. - Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông chia sẻ.

Trong năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức khoá tập huấn Blockchain trong quản lý cho 250 cán bộ chuyên trách CNTT của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và khoá học nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho gần 3.000 cán bộ quản lý, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên ngành Y tế tỉnh Thái Nguyên.

Đồng thời, Sở đã chủ động phối hợp với Công ty cổ phần BKAV tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng và xử lý sự cố an ninh mạng cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức Khóa đào tạo, tập huấn Blockchain trong quản lý cho gần 100 cán bộ, công chức chuyên trách Công nghệ thông tin.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức Khóa đào tạo, tập huấn Blockchain trong quản lý cho gần 100 cán bộ, công chức chuyên trách Công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nhân lực chuyên ngành Thông tin và Truyền thông cũng được chú trọng. Hiện nay, tổng số sinh viên đang theo học các khóa đào tạo chuyên ngành thông tin và truyền thông tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông là gần 3.500 sinh viên, dự kiến trong năm 2023 sẽ có 350 sinh viên tốt nghiệp. Đây sẽ là nguồn nhân lực nòng cốt góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành 1 trong những đơn vị đứng đầu về chuyển đổi số.

Mỗi người là một công dân số

Theo bà Hoàng Thị Ngà, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Định Hóa: Nhằm giúp người dân tiếp cận, khai thác và sử dụng thành thạo các ứng dụng: C-ThaiNguyen, Thái Nguyên ID, VssID (bảo hiểm điện tử), sổ sức khỏe điện tử, sổ tay đảng viên điện tử… trên điện thoại thông minh, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Định Hóa đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng (TCNSCĐ) tại các xóm, tổ dân phố.

Đến nay, trên địa bàn huyện Định Hóa đã thành lập 228 tổ với khoảng 1500 thành viên là các Tổ trưởng/Tổ phó tổ dân phố, Bí thư/Phó bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng/chi hội phó Chi hội phụ nữ, công an khu vực, các tình nguyện viên... Các tổ này có nhiệm vụ hướng dẫn bà con nhân dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng số phục vụ đời sống xã hội. Qua đó, từng bước nhân rộng các ứng dụng công nghệ số đến mỗi người dân trên địa bàn.

Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng công nghệ số tại thị trấn Chợ Chu (Định Hóa, Thái Nguyên).
Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng công nghệ số tại thị trấn Chợ Chu (Định Hóa, Thái Nguyên).

Ông Nguyễn Quang Dũng, Trưởng TDP Trung Kiên, thị trấn Chợ Chu cho hay: Tổ dân phố hiện có 242 hộ dân, hầu hết đều sử dụng điện thoại thông minh. Thực hiện chỉ đạo của huyện, thị trấn, các TCNSCĐ tổ dân phố đã tích cực tuyên truyền về nội dung chuyển đổi số đến các hộ dân; hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng số trên điện thoại thông minh. Phần lớn bà con sau khi được cài đặt, hướng dẫn đều đã biết cách khai thác thông tin qua các ứng dụng.

Chia sẻ về những tiện ích của các ứng dụng số, bà Nguyễn Thị Minh, người dân TDP Trung Kiên, thị trấn Chợ Chu bày tỏ: Vừa qua, tôi được Tổ công nghệ số cộng đồng của xóm hỗ trợ cài đặt thêm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, C-ThaiNguyen, Sổ bảo hiểm xã hội điện tử…, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng, tra cứu thông tin. Từ giờ, mỗi khi đi khám bệnh không cần mang quá nhiều giấy tờ hay có thể cập nhật tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đóng góp ý kiến của mình tới các cấp chính quyền qua ứng dụng C-ThaiNguyen một cách dễ dàng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thành lập được 2.255 tổ công nghệ số cộng đồng tại thôn, xóm, gồm trên 7.000 thành viên tham gia. Nòng cốt của các tổ này là đoàn viên thanh niên sẽ tiếp cận công nghệ một cách nhanh chóng, trên cơ sở các nền tảng chủ yếu về ứng dụng số của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Qua đó phổ biến, giúp người dân, hướng dẫn người dân tiếp cận được các nền tảng này và quan trọng nhất là làm sao cho người dân thấy được lợi ích của việc sử dụng công nghệ mang lại cho chính bản thân mình. Từ việc thấy được lợi ích, ý thức của người dân được nâng lên, và phát triển từ ít người đến nhiều người tiếp cận được các nền tảng công nghệ, ứng dụng số và sẽ tạo sự lan tỏa, trở thành một xã hội số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ