Tạo động lực cho giáo viên

GD&TĐ - Ai cũng biết rằng đội ngũ giáo viên là người quyết định thành công trong quá trình đổi mới GD. Do đó cần có giải pháp để tạo động lực cho đội ngũ thầy, cô giáo hoàn thành tốt trọng trách của mình, nhất là tới đây, chúng ta triển khai thực hiện Chương trình GD phổ thông mới.

Cần đánh giá đúng đóng góp của đội ngũ nhà giáo để có những chính sách phù hợp nhằm tạo động lực trong đổi mới giáo dục
Cần đánh giá đúng đóng góp của đội ngũ nhà giáo để có những chính sách phù hợp nhằm tạo động lực trong đổi mới giáo dục

Không ai có thể phủ nhận, đại đa số các thầy, cô giáo đều tâm huyết, yêu nghề. Song đội ngũ nhà giáo đang phải đối diện với nhiều áp lực. Áp lực từ bên ngoài mà trước hết là phụ huynh HS, bởi phụ huynh luôn mong con mình được học trong môi trường tốt nhất, được yêu thương nhất. Áp lực từ hiệu trưởng; từ HS; từ cơ chế chính sách, hành chính, chính sách đãi ngộ và từ truyền thông...

Nhận diện những áp lực này để chúng ta có cái nhìn khách quan hơn, từ đó có cơ chế chính sách phù hợp, giúp giáo viên yên tâm công tác. Theo đó, cần tiếp thêm nghị lực để giáo viên say mê, cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Song muốn yêu nghề, cống hiến với nghề thì phải giúp họ ổn định đời sống và có thu nhập tương xứng, bởi đó là nhu cầu chính đáng của giáo viên. Để có được chính sách phù hợp, chúng ta cần lắng nghe từ thực tiễn, lắng nghe ý kiến từ các giáo viên.

Các Đại biểu Quốc hội đã nhiều lần lên tiếng, cần có cơ chế chính sách để thầy cô giáo toàn tâm toàn ý với sự nghiệp GD. Làm sao để giáo viên hăng say, cống hiến trọn vẹn với nghề và không bị chi phối bởi việc áp đặt chỉ tiêu, bệnh thành tích và thu nhập. Theo đó, đời sống giáo viên phải được nâng lên để họ yên tâm sống được bằng đồng lương của mình.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng khẳng định, những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên thì bãi bỏ và cần tạo động lực cho giáo viên để họ được hạnh phúc. Mới đây, Bộ trưởng cũng chỉ đạo, các Vụ, Cục rà soát lại các cuộc thi và cắt giảm các cuộc thi không thiết thực đối với giáo viên. Đồng thời bồi dưỡng, tạo môi trường làm việc cho các thầy, cô giáo. Cùng với đó, ngành GD sẽ có những giải pháp căn cơ để từng bước giải tỏa áp lực cho giáo viên. Song các giải pháp đưa ra cần nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của đội ngũ nhà giáo thì mới có thể thành công.

Thiết nghĩ, một trong những giải pháp quan trọng đó là, cần đổi mới tuyển sinh đầu vào trường sư phạm. Theo đó, nếu chỉ yêu cầu về ngưỡng điểm đầu vào thì chưa đủ, mà cần tính đến phương thức tuyển sinh để xác định được phẩm chất nghề nghiệp, năng khiếu nghề nghiệp, cách ứng xử và đối diện với những vấn đề được cho là áp lực. Từ đó hạn chế những người vào học sư phạm không phù hợp về năng lực và phẩm chất đạo đức.

Đối với giáo viên cũng phải học cách đối diện và ứng xử với những áp lực để cân bằng cuộc sống cũng như công việc. Nói như GS Peck-cho, một chuyên gia GD đến từ Hàn Quốc, cái chính là các thầy cô cũng phải thay đổi. Khi mỗi giáo viên thay đổi thì HS sẽ thay đổi và nền GD mới thay đổi. Bởi khi giáo viên hạnh phúc thì HS mới hạnh phúc và trường học trở thành trường học hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.