Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi:

Tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhờ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số đã giúp nhiều trường học ở Văn Quan khang trang, học trò yên tâm đến trường.

Học sinh Trường Phổ thông DTBT TH & THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn).
Học sinh Trường Phổ thông DTBT TH & THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn).

Mang đến nhiều lợi ích cho học sinh vùng khó

Nhiều năm trở lại đây, các trường học ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn được đầu tư xây dựng, nhiều thiết bị giảng dạy được đầu tư tạo điều kiện để thầy và trò học tập nhờ vậy chất lượng giáo dục toàn huyện đã được nâng lên.

Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan cho biết: “Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại nhiều kết quả tích cực, giúp cho học sinh vùng dân tộc thiểu số có điều kiện học tập tốt hơn, cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư, mua sắm giúp cho dạy và học được đảm bảo qua đó nâng cao chất lượng giáo dục...”.

Không chỉ vậy, trường dân tộc bán trú, trường dân tộc nội trú được đầu tư xây dựng phòng học, bộ môn, phòng ở, mua sắm trang thiết bị dạy học và các đồ dùng cho học sinh bán trú để học trò yên tâm học tập tại trường.

Theo ông Ngô Văn Hiền, học sinh trường dân tộc nội trú, bán trú các em ăn ở, sinh hoạt tại trường, theo đó khi cơ sở vật chất, trường lớp được đầu tư học trò sẽ có điều kiện học tập tốt hơn.

Bên cạnh đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn giúp người dân chưa biết chữ tham gia học xoá mù chữ để biết chữ, lĩnh hội khoa học kỹ thuật ứng dụng vào đời sống sản xuất, cải thiện cuộc sống đẩy lùi nghèo đói, tệ nạn.

Năm 2023, huyện Văn Quan có 5 xã đang thực hiện giảng dạy công tác xoá mù chữ. Dự kiến tháng 1/2024, các lớp xoá mù chữ giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của huyện Văn Quan sẽ kiểm tra đánh giá công nhận thoát mù chữ.

Khi được đầu tư cơ sở vật chất, thầy và trò Trường Phổ thông DTBT TH & THCS Liên Hội có điều kiện phát triển năng lực, sáng tạo.

Khi được đầu tư cơ sở vật chất, thầy và trò Trường Phổ thông DTBT TH & THCS Liên Hội có điều kiện phát triển năng lực, sáng tạo.

Cùng học trò nội trú vượt khó khăn

Thực hiện chương trình mục tiêu Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Trường Phổ thông DTBT TH & THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) được đầu tư xây dựng 4 phòng học bộ môn (1 phòng Ngoại ngữ, 1 phòng Tin, 2 phòng khoa học tự nhiên), năm 2023 đơn vị được bàn giao sử dụng.

Thầy Triệu Quốc Hưng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT TH & THCS Liên Hội cho biết: “Trước đây, nhà trường không có phòng bộ môn, học trò không được học thực hành môn Tin, khó khăn với tiếp cận dạy học trực tuyến và các nguồn tài liệu tham khảo.

Đối với các môn khoa học tự nhiên cần thực hiện thí nghiệm tại các phòng thí nghiệm học trò ít có cơ hội tự mình làm thí nghiệm hay không có phòng thí nghiệm mà giáo viên phải thực hiện tại lớp học dẫn đến khó khăn trong công tác chuẩn bị bài giảng; nguy cơ mất an toàn cho học sinh trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, khi có các phòng chuyên môn nhà trường đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, các cuộc thi, hội thi, chất lượng học sinh giỏi được nâng lên. Học trò có cơ hội tự học tập sau các giờ học; buổi tự học”.

Thầy Triệu Quốc Hưng nói thêm, nhờ chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi học sinh các trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú được phát triển toàn diện, nối gần khoảng cách giữa các vùng miền.

“Bên cạnh đó học sinh cũng có cơ hội học đi đôi với hành, phát triển đam mê nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng những kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, tạo sự hứng thú cho học trò trong quá trình học.

Ngoài ra, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho vùng đồng bào dân tộc để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong đó có học sinh.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm khoảng 83,16% dân số toàn tỉnh) dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm với khoảng 76,96%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ