Thanh Hoá tăng tốc giải ngân vốn hỗ trợ xây nhà cho đồng bào DTTS

GD&TĐ - Tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ nhà ở, nhiều hộ nghèo ở Thanh Hoá có cơ hội xây nhà mới, vươn lên xoá đói, giảm nghèo.

Căn nhà chị Lò Thị Thoa (thị trấn Lang Chánh) đã kịp hoàn thành trước Tết. (Ảnh: NT)
Căn nhà chị Lò Thị Thoa (thị trấn Lang Chánh) đã kịp hoàn thành trước Tết. (Ảnh: NT)

Niềm vui trong căn nhà mới ngày cuối năm

Hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số đang khó khăn về nhà ở theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, còn gọi là chương trình 1719, được triển khai tại 13 địa phương của tỉnh Thanh Hoá.

Có mặt tại căn nhà của gia đình chị Lò Thị Thoa (ở thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh) vào dịp cận Tết, chị Thoa không giấu được niềm vui và xúc động khi có được căn nhà mơ ước.

Là lao động tự do, thu nhập không ổn định, vợ chồng chị chưa từng nghĩ sẽ có ngày được ở trong ngôi nhà khang trang này. Bởi suốt hàng chục năm qua, từ khi bố mẹ chồng còn sống, gia đình chị luôn nằm trong diện hộ nghèo.

Ông Lương Văn Nhuân (xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn) trong căn nhà mới kiên cố đứng tên con trai. (Ảnh: NT)
Ông Lương Văn Nhuân (xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn) trong căn nhà mới kiên cố đứng tên con trai. (Ảnh: NT)

Được hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về nhà ở theo Chương trình 1719, gia đình chị đã quyết tâm vay mượn, nhờ anh em họ hàng hỗ trợ xây dựng nhà.

“Trước đây, gia đình tôi phải ở trong căn nhà tranh, mỗi khi mùa mưa chỉ lo nhà sập. Được sự hỗ trợ của Nhà nước rồi động viên của bà con, hàng xóm mới có thêm động lực để vay mượn làm nhà mới. Gia đình rất vui vì Tết năm nay, vợ chồng con cái được đón Tết trong căn nhà kiên cố”, chị Lò Thị Thoa, thị trấn Lang Chánh chia sẻ.

Còn với gia đình ông Lương Văn Nhuân (xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn), sau rất nhiều nỗ lực, thì đến nay, những thành viên trong gia đình ông đã có một căn nhà kiên cố để ổn định cuộc sống.

Ông Lương Văn Nhuân cho biết, trước kia gia đình ông ở trong căn nhà sàn đã xuống cấp. Ngoài vợ chồng ông thì còn vợ chồng con trai và cháu nên căn nhà trở nên chật chội.

Dù mong muốn xây nhà nhưng chưa biết dựa vào nguồn nào thì gia đình anh được địa phương thông báo làm đơn xin xét duyệt hỗ trợ xây nhà mới.

“Ban đầu gia đình cũng đắn đo lắm vì ngoài phần được Nhà nước hỗ trợ thì số còn lại không biết xoay xở ra sao.

Sau đó, địa phương hướng dẫn vay ngân hàng chính sách, gia đình vay thêm anh em họ hàng, thế rồi mới xây được căn nhà này. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì không biết bao giờ mới có nhà kiên cố để ở", ông Nhuân bộc bạch.

Đã giải ngân được 80% vốn

Theo nội dung hỗ trợ nhà ở, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2021 – 2023, là gần 13,6 tỷ đồng.

Trong đó, hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 4 triệu đồng/hộ để xây dựng 1 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương.

Trước đó, vào tháng 10/2023, tại Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của UBND tỉnh Thanh Hoá cho thấy, tính đến 30/9/2023, toàn tỉnh mới chỉ đạt 7,4% kế hoạch phân bổ, trong đó duy nhất huyện Lang Chánh hoàn thành khi hỗ trợ xây mới 24 căn, sửa chữa 2 căn nhà.

Sau khi được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, người dân đã vay thêm nguồn từ Ngân hàng chính sách và những nguồn khác để xây nhà kiên cố. (Ảnh: NT)
Sau khi được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, người dân đã vay thêm nguồn từ Ngân hàng chính sách và những nguồn khác để xây nhà kiên cố. (Ảnh: NT)

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã giải ngân được khoảng 80% kế hoạch vốn. Trong đó, huyện Lang Chánh và huyện Quan Sơn đã hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn. Với những địa phương chưa hoàn thành, nguồn vốn sẽ tiếp tục được chuyển tiếp sang năm 2024.

Theo ông Lê Thanh Nghị, Phó Trưởng phòng Dân Tộc huyện Lang Chánh, chương trình này bà con được hỗ trợ mức 40 triệu đồng đối với nhà xây mới còn đối với nhà sửa thì được hỗ trợ 20 triệu đồng. Để có đủ số tiền xây, sửa cho bà con, địa phương đã hướng dẫn bà con vay Ngân hàng chính sách, bên cạnh đó huy động hàng xóm, láng giềng đóng góp ngày công. Từ đó, bà con có động lực làm nhà, ổn định cuộc sống.

Ông Chu Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá cũng cho biết: “Huyện đã tạo điều kiện kết hợp nhiều nguồn vốn khác nhau trong đó có các nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách, nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp. Chủ trương này đã góp phần cho bà con có nơi ở, từ đó có điều kiện tốt phát triển kinh tế”.

Hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số đang khó khăn về nhà ở là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, thể hiện quan điểm: không bỏ ai ở lại phía sau trong quá trình phát triển. Các hộ gia đình khi có căn nhà ổn định, vững chãi sẽ thêm phần tin tưởng, yên tâm làm ăn, góp phần đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ