Những năm qua, ngành Giáo dục và các trường có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, huy động hơn 29 nghìn cháu ra nhà trẻ, đạt 41,4% độ tuổi, gần 99 nghìn cháu ra lớp mẫu giáo, đạt 98,9% độ tuổi, trong đó có gần 38 nghìn trẻ 5 tuổi đến trường, đạt 99,97% trẻ trong độ tuổi, đạt 100% diện phổ cập ra lớp.
Để trẻ yêu trường, mến bạn
Theo NGƯT Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định: Sở GD&ĐT đã có nhiều giải pháp chỉ đạo hiệu quả nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ như thực hiện chương trình giáo dục mầm non, nâng cao tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày, học bán trú và giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 100% số trường, lớp mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, 100% số trẻ được học 2 buổi/ngày. Việc dạy và học ở các nhà trường đạt chất lượng tốt, trẻ đến trường đều được bảo đảm an toàn, có đủ đồ dùng cá nhân và được ăn bán trú tại trường.
Ông Trương Minh Tiến - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vụ Bản cho biết: Hoạt động nuôi dạy trẻ ở các nhà trường mầm non trên địa bàn đã và đang đi vào nền nếp, hướng đến chất lượng và hấp dẫn trẻ. Các hoạt động của trẻ được tổ chức thường xuyên theo chủ đề và chương trình quy định, phù hợp với độ tuổi và khả năng, nhu cầu của trẻ. Hầu hết giáo viên đã lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức các hoạt động giúp trẻ biết phát huy khả năng khám phá, tìm tòi và tích cực tham gia các hoạt động trên lớp cũng như các hoạt động ngoại khóa.
Ông Tiến cũng đặc biệt nhấn mạnh: Ở nhiều nhà trường, đội ngũ giáo viên đã xây dựng công cụ đánh giá kết quả hoạt động của trẻ theo bộ chuẩn phát triển bao gồm 4 lĩnh vực: Thể chất, tình cảm và quan hệ xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức và sẵn sàng với việc học. Quan điểm chỉ đạo của phòng là trên cơ sở đó điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp với khả năng của trẻ, hướng đến chất lượng cao nhất.
Bà Trần Thị Diệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Nam Định), cho rằng: Các trường mầm non Nam Định đã nhận được sự quan tâm lớn của cấp ủy, chính quyền. Ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh và TP, các trường và nhóm trẻ đều bảo đảm tốt các yêu cầu về chất lượng, trang thiết bị, đồ dùng dạy học được đầu tư đồng bộ để thực hiện tốt mục tiêu phổ cập. Theo bà Diệp, đánh giá chung cho thấy trẻ trong độ tuổi đến trường ở bậc học này đều tự tin, năng động, khỏe mạnh.
Các cháu được hoạt động trong môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, được trang bị tốt các kiến thức phù hợp với lứa tuổi, có đủ đồ dùng, đồ chơi và học tập, vui chơi theo đề tài phù hợp với chủ đề, thực tế, gần gũi cuộc sống của trẻ. Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo với tình yêu nghề đã tích hợp các kỹ năng cần thiết, đưa vào giờ dạy giúp trẻ phát huy tính tích cực, sự sáng tạo và sử dụng những kinh nghiệm trong cuộc sống.
Trẻ 5 tuổi phải được đến trường
Lý giải việc giáo dục mầm non được quan tâm và có nhiều đổi thay tích cực, trong đó có sự quan tâm đến phổ cập trẻ 5 tuổi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Xuân Hồng, cho rằng: Công tác này đã và đang dành được sự quan tâm lớn, nhiều chính sách khuyến khích được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt chính sách của Nhà nước về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa được triển khai đến các cơ sở đào tạo. Đến thời điểm này, đã có 100% số trẻ em diện chính sách được hưởng các chế độ theo quy định. Đặc biệt, Sở GD&ĐT sớm có chỉ đạo các trường thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non mới, trong đó có trên 37.000 trẻ ở tất cả các lớp mầm non 5 tuổi đã được học chương trình theo quy định với chất lượng, hiệu quả cao.
Bà Trần Thị Diệp cũng cho biết thêm: Ở các nhà trường và cơ sở giáo dục mầm non trên toàn tỉnh, cô giáo đều sẵn sàng nhập cuộc. Tại hầu hết trường mầm non, trẻ được theo dõi, đánh giá sự phát triển về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ và tình cảm xã hội.
Với nội dung xây dựng môi trường giáo dục phù hợp với từng chủ đề, các trường đã tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương để làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; tạo góc chơi phù hợp, trò chơi hấp dẫn để trẻ được học tập, vui chơi, bộc lộ khả năng của bản thân và mạnh dạn, tự tin, phát huy vai trò chủ động sáng tạo trong các hoạt động. Từng loại đồ dùng, đồ chơi được các cô hướng dẫn trẻ theo các bước mở đầu, khám phá và kết thúc chủ đề, trong hoạt động học, chơi ở các góc lớp, ngoài trời.
Với quan điểm trẻ 5 tuổi phải được tạo điều kiện đến trường, trường lớp phải thật xanh, sạch đẹp và hấp dẫn trẻ, Sở GD&ĐT thường xuyên chỉ đạo tổ chức các hội thi: Giáo viên nuôi dạy giỏi, trang trí môi trường giáo dục theo chủ đề, nhóm lớp, thi đồ dùng đồ chơi tự làm, “Bé khỏe”, thi phát triển vận động cho trẻ… các cấp nhằm tạo điều kiện để giáo viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.
Các lớp mầm non 5 tuổi đều được tập trung về khu trung tâm, sắp xếp đủ phòng học bảo đảm yêu cầu theo quy định. Cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, cùng với tinh thần đổi mới “học mà chơi, chơi mà học”, trẻ được cảm nhận thực sự “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, từ đó giúp trẻ tự tin, sáng tạo, kích thích khám phá, trải nghiệm. Đây chính là điểm nhấn để giáo dục mầm non Nam Định tiếp tục khẳng định chất và lượng.