Tạo đà cho giáo dục phát triển vùng khó Lai Châu

GD&TĐ - Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã huy động nhiều nguồn lực để tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, đưa giáo dục vùng khó từng bước phát triển.

Cô trò Trường Tiểu học số 2 thành phố Lai Châu.
Cô trò Trường Tiểu học số 2 thành phố Lai Châu.

Chú trọng đầu tư cho giáo dục

Theo phân cấp của HĐND tỉnh Lai Châu, việc mua sắm thiết bị tại các đơn vị trường mầm non, tiểu học, THCS do UBND huyện, thành phố quản lý. Năm 2023, UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt cho các huyện, thành phố hơn 40 tỷ đồng để đầu tư mua sắm thiết bị dạy học. Tỷ lệ chi ngân sách chi cho GD&ĐT chiếm gần 25% tổng chi ngân sách địa phương.

Ông Lưu Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết: “Bằng nhiều nguồn kinh phí, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tập trung cải tạo, sửa chữa, xây mới trường, lớp, mua sắm trang thiết bị... đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất (CSVC) cho việc dạy và học”.

Với yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng cao, tiến độ đầu tư xây dựng CSVC, thiết bị trên địa bàn tỉnh Lai Châu cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh trong tỉnh.

Trường TH&THCS Sùng Phài, thành phố Lai Châu vừa được đầu tư thêm 10 phòng học.

Trường TH&THCS Sùng Phài, thành phố Lai Châu vừa được đầu tư thêm 10 phòng học.

Cô Trần Lệ Quyên - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Sùng Phài, thành phố Lai Châu cho biết: “Năm học 2022 - 2023, nhà trường được quan tâm đầu tư xây dựng thêm 10 phòng học và 1 khu bán trú khang trang, kiên cố. Đầu tháng 1 vừa qua, công trình đã hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn.

Ngoài ra, nhà trường còn được tặng nhiều cây xanh để trồng, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Cũng nhờ có trường lớp đẹp, học sinh hứng thú hơn khi đi học, trường thuận lợi hơn trong duy trì tỷ lệ chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Năm học 2023 – 2024, tỉnh Lai Châu có 337 trường với tổng số 7.246 phòng học. Trong đó có 5.625 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 77,6%; 1.533 phòng bán kiên cố, chiếm 21,2%. 100% số trường có đủ CSVC đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày. Toàn tỉnh có 190 trường đạt chuẩn quốc gia. Các trường học, cơ sở giáo dục đều có phòng học tin học, ngoại ngữ được trang bị máy tính để học sinh thực hành.

Bên cạnh nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách, việc xã hội hóa CSVC trường học được đẩy mạnh. Các trường nỗ lực kêu gọi nhiều nguồn lực đầu tư từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là đầu tư vào những trường ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Riêng năm 2023, ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu huy động cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng, sửa chữa 74 phòng học, 4 phòng bán trú, 13 nhà bếp, 300 máy tính và nhiều hiện vật khác... Từ đó, tạo cảnh quan, môi trường học tập xanh - sạch - đẹp và từng bước nâng cao hơn hiệu quả giáo dục.

Sau khi được đầu tư, các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch, lên phương án để quản lý, sử dụng tài sản, thiết bị dạy học phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị, nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng.

Chú trọng đổi mới Chương trình

Ngành GD&ĐT Lai Châu cũng tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được bố trí cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng theo vị trí việc làm và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Các cơ sở giáo dục được đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại.

Các cơ sở giáo dục được đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại.

Cũng nhờ tăng cường đầu tư CSVC, trang thiết bị dạy - học đã tạo thuận lợi để các trường thực hiện hiệu quả hơn chương trình GDPT mới và bước đầu có những khởi sắc.

Các cơ sở giáo dục thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập với phương châm “Học qua làm” để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Thực hiện đa dạng, linh hoạt các hình thức, phương pháp đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh. Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, quan tâm nuôi dưỡng học sinh nội trú, bán trú nhằm thu hút các em đến trường, góp phần nâng cao tỷ lệ chuyên cần.

“Giáo viên là người định hướng, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, giúp đỡ; học sinh chủ động, tự lực chiếm lĩnh kiến thức. Qua đó, hình thành phương pháp tự học, làm việc nhóm, tạo hứng thú học tập và phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh” – cô Pờ Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2, thành phố Lai Châu chia sẻ.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT Lai Châu cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra, tư vấn, hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong thực hiện Chương trình GDPT mới.

“Qua kiểm tra thực tế, các trường cơ bản chuẩn bị tốt điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, kế hoạch giáo dục, kế hoạch môn học, đảm bảo triển khai chương trình đồng bộ. Việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh được quan tâm. Đa số học sinh tích cực, chủ động tiếp cận nhanh với nội dung, chương trình, kết quả rèn luyện, học tập đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Nhờ đó, chất lượng giáo dục từng bước được cải thiện” – NGƯT Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu chia sẻ.

Trong học kỳ I (năm học 2023 – 2024), ngành GD&ĐT Lai Châu đã tổ chức bồi dưỡng chuyên môn hè, bồi dưỡng các mô đun 6, 7, 8 triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tổ chức góp ý các bản mẫu sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12. Các đơn vị tích cực chuẩn bị điều kiện triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12...

Các đơn vị tổ chức hiệu quả sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Qua đó, việc xây dựng kế hoạch bài dạy, tổ chức giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, chất lượng hai mặt giáo dục được nâng lên.

Tiết đọc tại phòng thư viện của học sinh Trường PTDTBT TH&THCS số 2 Bản Lang (Phong Thổ).

Tiết đọc tại phòng thư viện của học sinh Trường PTDTBT TH&THCS số 2 Bản Lang (Phong Thổ).

Cùng với đó, Phòng GD&ĐT các huyện đã chủ động có giải pháp bố trí đội ngũ giáo viên tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học linh hoạt, phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương. Bảo đảm 100% học sinh lớp 3, lớp 4 được học môn Tiếng Anh và Tin học theo quy định.

Ông Phạm Văn Phôi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ cho biết: “Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hoạt động ngoài giờ lên lớp, dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh được các đơn vị triển khai hiệu quả. Tổ chức dạy học giáo dục STEM được lồng ghép trong các môn học đảm bảo mục tiêu phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, tạo điều kiện cho các em trải nghiệm. Đồng thời, quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tổ chức những hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để rèn luyện kỹ năng cho học sinh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ