Mới nhưng không lạ
Với chủ đề Thế giới thực vật, trẻ lớp mẫu giáo bé, Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được cô giáo tổ chức hoạt động theo dự án với nhiều nội dung như nhặt lá vàng ở khu vực vườn trường; phân loại lá to, nhỏ; vẽ, tô màu chiếc lá; khám phá vì sao lá rụng vào mùa Thu, tạo hình chiếc lá.
Ở một lớp khác, cùng chủ đề này, giáo viên chọn thực hiện dự án Khu vườn cà rốt. Trẻ được tìm hiểu lợi ích của cà rốt, thử một số món ăn chế biến từ cà rốt. Giáo viên hướng dẫn cho trẻ vẽ, cắt, dán tô màu củ cà rốt. Phụ huynh ủng hộ thùng carton và cùng tham gia để bé thực hiện dự án Khu vườn cà rốt.
Với chủ đề Quá trình phát triển của cây, 2 cô giáo Phạm Thị Xuân Thuỷ - Trần Thị Mỹ Linh vận động phụ huynh lớp Mẫu giáo Lớn 2 chuẩn bị cốc nhựa đã sử dụng, hạt giống, đất. Bé được cô giáo hướng dẫn cách gieo hạt, chăm sóc, tưới nước hằng ngày, ghi lại bằng hình vẽ quá trình phát triển của cây; đo chiều cao của cây, đếm số lá… Dự án được lớp Lớn 2 triển khai trong 1 tháng, các bé trồng được cả vườn ngò gai, rau mồng tơi, mướp… ngay tại góc hành lang của trường.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan cho biết: “Năm học 2024 - 2025, nhà trường chủ trương xây dựng chương trình học theo dự án để giúp trẻ nhớ kỹ, sâu về thế giới xung quanh, có kỹ năng sáng tạo linh hoạt và hợp tác. Tùy theo nội dung mỗi dự án, giáo viên có thể thiết kế các hoạt động từ 3 - 4 ngày hoặc/tuần, thậm chí 1 tháng.
Trong đó, giáo viên được trao quyền chủ động, sáng tạo trong lựa chọn tổ chức các hoạt động phù hợp. Đặc biệt, với chương trình học theo dự án còn có sự tham gia của phụ huynh trước, trong và sau hoạt động để đồng hành với sự hình thành, phát triển kỹ năng của trẻ”.
Trong mỗi phòng học của Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), giáo viên đều xây dựng những góc hoặc khu vực vui chơi theo chủ đề. Các chủ đề này được cô giáo thay đổi sau vài tuần, khi số trẻ trong lớp đã có những trải nghiệm thông qua các trò chơi đóng vai tại góc này. Các bé còn có cơ hội giao lưu với đoàn nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Tùy từng độ tuổi, bé hát bài phù hợp như Một con vịt, Bắc kim thang đến Bụi phấn... với sự đệm đàn của cô chú nghệ sĩ.
Từ phương pháp sáng tạo dựa vào nghệ thuật, Trường Mầm non Con Ong Nhỏ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã tổ chức hoạt động “chạm yêu thương” vào đầu giờ buổi sáng cho trẻ toàn trường. Các bé hào hứng tham gia và xin cô được chơi lại. Điều này cho thấy, hoạt động dạy và học lấy cảm hứng từ nghệ thuật có xu hướng giúp giảm căng thẳng và tăng động lực học tập, thúc đẩy tương tác xã hội, đồng thời khuyến khích trẻ khám phá môi trường tự nhiên xung quanh.
Trong hè 2024, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã tổ chức lớp tập huấn “Tiếp cận Reggio Emilia trong bối cảnh đổi mới giáo dục mầm non” cho 160 thầy cô là chuyên viên phòng GD&ĐT các quận, huyện, phó hiệu trưởng trường mầm non trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Phòng Giáo dục Mầm non của sở tổ chức các chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm tại các trường học. Đây là những bước chạy đà để đội ngũ giáo viên mầm non sẵn sàng thích ứng với Chương trình giáo dục mầm non mới.
Rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ
Năm học 2024 - 2025, Trường Mầm non Khánh Khê (huyện Văn Quan, Lạng Sơn) triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới. Cô Hiệu trưởng Lã Hương Giang cho biết: “Cơ sở vật chất của trường đã đáp ứng trường chuẩn quốc gia mức độ I. Tuy nhiên với chương trình mới, chúng tôi đang thiếu thư viện, phòng tin học, ngoại ngữ. Do đó, nhà trường sẽ tận dụng khoảng không gian ở cầu thang làm thư viện, phòng đa năng làm phòng học tin học, ngoại ngữ cho trẻ”.
Ngoài thiết bị có sẵn như tivi, máy chiếu, máy tính, Trường Mầm non Khánh Khê còn vận động giáo viên sử dụng máy tính, điện thoại, iPad cá nhân để ứng dụng vào dạy học, giúp học sinh tiếp cận, khắc phục những hạn chế khi thiếu thiết bị. Riêng chương trình cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, nhà trường sẽ liên kết với các trung tâm trên địa bàn huyện để tổ chức giảng dạy.
Với Chương trình giáo dục mầm non mới, trẻ và giáo viên sẽ có nhiều hoạt động trải nghiệm mới như giáo dục STEM… giúp trò bám sát chương trình và liên thông với Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, cô Hương Giang cũng nhìn nhận, nhà trường và giáo viên sẽ gặp một số bỡ ngỡ khi thay đổi cách giảng dạy, thực hiện kế hoạch hay lồng ghép vào chương trình sao cho hiệu quả.
Trường Mầm non Không Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) cũng triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới trong năm học 2024 - 2025. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, do đó, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đã nghiên cứu chương trình từ sớm nhằm lường trước những khó khăn, thuận lợi có thể gặp trong quá trình thực hiện.
“Triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới trong bối cảnh đang xây dựng nên thầy trò phải học nhờ. Trước hạn chế về cơ sở vật chất, giáo viên được lưu ý cố gắng, nỗ lực khắc phục bất cập; nghiên cứu kỹ chương trình để triển khai các nội dung giảng dạy thật hiệu quả; tận dụng công nghệ để giảng dạy, thiết kế bài giảng sao cho phù hợp để học sinh phát triển toàn diện”, cô Nguyễn Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Không Hin thông tin.
Trước thềm năm học mới, ngành Giáo dục huyện Văn Quan (Lạng Sơn) thiếu 6 giáo viên. Theo ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, phòng đã làm đề xuất huyện tuyển bổ sung. Nếu không tuyển kịp, phòng tổ chức tuyển dụng giáo viên hợp đồng nhằm đáp ứng đủ cho các trường.
Là huyện miền núi, cơ sở vật chất các trường học còn hạn chế, do đó, phòng GD&ĐT đang đề xuất huyện dành kinh phí đầu tư, trang bị mua sắm cho các thiết bị đảm bảo theo quy định. Phòng tiến hành rà soát thiết bị đồ dùng, đồ chơi, dụng cụ học tập còn thiếu để mua sắm bổ sung nhằm đảm bảo có đủ theo quy định Thông tư 02/2010/TT-BGDĐT.
“Chương trình giáo dục mầm non mới yêu cầu phải có phòng tin học, ngoại ngữ, thư viện nhưng các trường ở địa bàn huyện hầu hết còn thiếu. Do đó, chúng tôi, khuyến khích nhà trường tạm thời tận dụng cơ sở vật chất hiện có để khắc phục khó khăn. Đồng thời, phòng GD&ĐT tham mưu với huyện đề xuất xây dựng bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình”, ông Ngô Văn Hiền trao đổi.
Năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động thực hành đa dạng hình thức theo nội dung tiêu chí chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025” được phân công tại 27 điểm trường. Đây là dịp để các cơ sở giáo dục mầm non trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, giáo dục trẻ theo hướng tiếp cận Chương trình giáo dục mầm non mới. - Bà Đặng Thị Cẩm Tú - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Đà Nẵng