Đề xuất triển khai hiệu quả thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

GD&TĐ - Từ thực tế triển khai, địa phương chia sẻ giải pháp cũng như đề xuất để triển khai hiệu quả thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Nội dung này được chia sẻ, trao đổi tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025 với giáo dục mầm non.

Thuận lợi, khó khăn đan xen

Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã triển khai một số hoạt động nhằm từng bước chuẩn bị điều kiện thực hiện thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới.

Thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Thêm, hiện tại Bắc Giang có 6 cơ sở giáo dục sẽ thực hiện thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới tại huyện Yên Thế và thị xã Việt Yên. Trong đó có 4 trường công lập (2 trường vùng khó khăn, 2 trường vùng thuận lợi), 1 trường tư thục, 1 cơ sở mầm non độc lập tư thục.

Có tổng số 68 nhóm, lớp thực hiện thí điểm (16 nhóm trẻ, 52 lớp mẫu giáo); khoảng 1.650 trẻ mầm non được áp dụng chương trình thí điểm (316 trẻ nhà trẻ, 1.314 trẻ mẫu giáo).

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các đơn vị, cơ sở giáo dục mầm non lựa chọn tham gia thí điểm đã được tham gia các hội thảo về thực trạng điều kiện trước thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới, quy trình thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Về cơ sở vật chất, đảm bảo đủ 68 phòng học/68 nhóm, lớp; trong đó, 67 phòng học kiên cố (đạt tỉ lệ 98,53%), 1 phòng học bán kiên cố, có 13 phòng chức năng và cả 68 nhóm, lớp đảm bảo có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục tối thiểu quy định.

Về khó khăn trong quá trình chuẩn bị điều kiện thí điểm, do chưa có kế hoạch triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới cụ thể giai đoạn 2024-2027 của Bộ GD&ĐT nên địa phương chưa có căn cứ cụ thể để xây dựng kế hoạch thí điểm của địa phương cho từng năm học. Các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, đội ngũ giáo viên, các đơn vị, cơ sở mới chỉ chuẩn bị được ở mức địa phương có thể, cơ sở có thể (chưa có sự hỗ trợ của tỉnh, của Sở GD&ĐT).

Tham luận tại Hội nghị, Phòng GD&ĐT Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho biết, việc triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới được sự quan tâm của Sở GD&ĐT, các cấp chính quyền; sự đồng lòng của tập thể cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên. Các trường mầm non trên địa bàn đều quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất đảm bảo cho việc thực hiện tham gia thí điểm Chương trình của huyện.

Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý chịu khó, nhiệt tình, không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, có ý thức trách nhiệm, có lòng yêu thương và quan tâm đến trẻ… cũng là thuận lợi của địa phương khi triển khai thí điểm.

Tuy nhiên, khó khăn của TP.Long Khánh cũng chính từ đội ngũ bởi còn thực trạng thiếu giáo viên và khó tuyển dụng giáo viên vào làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non.

hoi nghi 1.jpg
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Phú.

Cần xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện thí điểm

Để việc triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non chủ động, hiệu quả, Sở GD&ĐT Bắc Giang đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện thí điểm (trong suốt thời gian thực hiện thí điểm), trong đó cụ thể nhiệm vụ cho từng năm học.

Kế hoạch thí điểm của Bộ GD&ĐT gửi UBND các tỉnh thực hiện thí điểm để UBND các tỉnh có chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp ngành Giáo dục để đảm bảo các điều kiện thực hiện thí điểm.

Kế hoạch thí điểm của Bộ GD&ĐT giúp cho các cấp quản lý giáo dục, các đơn vị, cơ sở thực hiện thí điểm chủ động chuẩn bị các nguồn lực, xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động thí điểm đạt hiệu quả tốt nhất.

Cùng với đó, xác định cụ thể các điều kiện cần và đủ để triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới (về quy mô nhóm/lớp, về số lượng trẻ/nhóm, lớp, về cơ sở vật chất phòng lớp học, về đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, về giáo viên...).

Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh, phối hợp với UBND các đơn vị triển khai thí điểm thực hiện các giải pháp đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện thí điểm cho các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện thí điểm.

Cần tập huấn kỹ lưỡng cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non thực hiện thí điểm, giúp đội ngũ này nắm chắc về Chương trình giáo dục mầm non mới, về quy trình thực hiện thí điểm, về kĩ thuật thực hiện Chương trình và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình thí điểm...

Trong quá trình triển khai thí điểm, Bộ GD&ĐT cần bố trí đội ngũ chuyên gia thường xuyên hỗ trợ, giám sát quá trình triển khai thực hiện của cơ sở để tránh những sai sót, chệch hướng dẫn đến không đạt được mục đích của việc thí điểm.

Cùng với đó, bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới.

Phòng GD&ĐT Long Khánh, tỉnh Đồng Nai thì đề xuất Bộ GD&ĐT tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn để các đơn vị được tham gia thí điểm hiểu về Chương trình giáo dục mầm non mới và quy trình thí điểm; hỗ trợ kịp thời về các điều kiện trong quá trình triển khai thí điểm. Phối hợp với các Bộ có liên quan ưu tiên phân bổ nguồn ngân sách và biên chế cho giáo dục mầm non, bảo đảm định biên theo quy định đối với các địa phương thực hiện thí điểm Chương trình.

Các địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục để huy động nguồn lực từ cha mẹ học sinh, cộng đồng tham gia hỗ trợ cho giáo dục mầm non; cung cấp kịp thời, đầy đủ tài liệu thí điểm cũng như tổ chức tập huấn, hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia thí điểm Chương trình.

Đồng thời, cần có chế độ ưu đãi kịp thời đối với giáo viên trẻ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực tham gia tuyển dụng để đảm bảo đủ định biên giáo viên/lớp theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.