Tạo cơ hội cho trẻ học thông qua chơi

GD&TĐ - Xây dựng môi trường giáo dục mầm non lấy trẻ làm trung tâm nhằm tạo cơ hội cho trẻ học thông qua chơi, giúp trẻ tự tin sáng tạo.

Sở GD&ĐT Quảng Trị tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Đ. Đức).
Sở GD&ĐT Quảng Trị tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Đ. Đức).

Giúp trẻ phát triển toàn diện kỹ năng

Thực hiện kế hoạch xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn mới, Trường Mầm non (MN) thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã huy động mọi nguồn lực để cải tạo, xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học thân thiện, tạo cơ hội cho trẻ được học tập, vui chơi. Trong lớp học, nhà trường tổ chức các góc hoạt động phong phú; học liệu đa dạng, hấp dẫn, để kích thích trẻ tư duy phát triển, chủ động, tích cực tìm tòi, khám phá.

Cô giáo Trần Thị Vân - Hiệu trưởng Trường MN thị trấn Cửa Việt cho biết: Nhằm xây dựng môi trường giáo dục mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng đến trẻ, không làm thay trẻ, đảm bảo các trẻ đều được quan tâm mọi lúc, mọi nơi. Nhà trường đã tổ chức nhiều tiết dạy chuyên đề cấp trường, cấp cụm, đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn...

Thông qua việc thực hiện chuyên đề, giáo viên đã nâng cao năng lực chuyên môn, có nhiều ý tưởng sáng tạo tốt trong việc tổ chức các hoạt động, tạo cơ hội cho trẻ học bằng chơi, chơi mà học. Từ đó, trẻ được tiếp cận, trải nghiệm, bộc lộ hết khả năng suy nghĩ của mình, nhằm giúp trẻ vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào các hoạt động mới.

Trường MN thị trấn Cửa Việt xây dựng không gian trường học thân thiện. (Ảnh: Đ. Đức).

Trường MN thị trấn Cửa Việt xây dựng không gian trường học thân thiện. (Ảnh: Đ. Đức).

“Có thể nói, việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non theo hướng lấy trẻ làm trung tâm là thực sự cần thiết và rất quan trọng, nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ. Thông qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện. Trẻ thích thú, mạnh dạn, tự tin, tự do thể hiện ý tưởng khi tham gia vào các hoạt động giáo dục, tạo cơ hội cho trẻ được dễ dàng lựa chọn, sử dụng đồ vật, đồ chơi để thực hành trải nghiệm chủ động và sáng tạo hơn”, cô Vân cho hay.

Đối với chương trình mới, phương châm lấy trẻ làm trung tâm thì trẻ thực hành và trải nghiệm nhiều hơn. Đặc biệt, chương trình hướng đến nâng cao tính sáng tạo, giúp trẻ thực hành, trải nghiệm nhiều hơn. Trẻ tự học, tự chơi, khám phá những điều chưa biết. Theo đó, chương trình mới đã gắn với sự phát triển của trẻ, chuẩn bị tâm thế cho trẻ bước vào lớp 1.

Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ

Bà Võ Thị Loan – Phó trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Quảng Trị) cho biết, việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025” đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Theo đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có sự thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Từ đó, có những hoạt động cụ thể, thiết thực trong việc xây dựng môi trường, lựa chọn nội dung, khai thác môi trường hiện có để dạy trẻ cũng như hạn chế dần sự gò bó, máy móc trong tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ.

Buổi học tại Trường MN Sơn Ca (huyện Hải Lăng) thu hút sự chú ý của trẻ.

Buổi học tại Trường MN Sơn Ca (huyện Hải Lăng) thu hút sự chú ý của trẻ.

Đặc biệt, giáo viên chủ động trong việc lập kế hoạch, lựa chọn chủ đề, đề tài, xác định hình thức giáo dục phù hợp với đặc điểm của trẻ, tình hình thực tế địa phương, biết cách xây dựng, sắp xếp môi trường giáo dục trong và ngoài lớp phù hợp; thực hiện đổi mới về phương pháp tổ chức hoạt động, đặc biệt là các hoạt động cho trẻ thực hành, khám phá và trải trải nghiệm để phát triển. Tỉ lệ huy động trẻ đến các cơ sở GDMN ngày càng tăng cao và đạt chỉ tiêu kế hoạch, nhà trẻ đạt 31,04%, mẫu giáo 93,98% (năm học 2021- 2022); Nhà trẻ đạt: 31,53%, mẫu giáo 91,52% (tháng 12, năm học 2022- 2023).

“Về chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng cao, trẻ tích cực, hứng thú với các hoạt động trong môi trường phù hợp, mạnh dạn, tự tin, thực hiện các kỹ năng vận động chính xác; trẻ được rèn luyện và phát triển các tố chất cần thiết phù hợp lứa tuổi, biết yêu thích hoạt động và biết phối hợp các giác quan trong tham gia tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh, từ đó phát triển nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và các kỹ năng xã hội”, bà Võ Thị Loan cho hay.

Ông Võ Văn Minh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, thời gian tới cần tiếp tục duy trì, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả đạt được của chuyên đề giáo dục lấy trẻ làm trung tâm tại các cơ sở GDMN; làm tốt công tác tham mưu để huy động các nguồn lực tăng cường xây dựng môi trường cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tốt chuyên đề.

Đẩy mạnh việc ứng dụng, khai thác, sử dụng có hiệu quả môi trường trong và ngoài lớp học, môi trường xã hội tại các trường MN để nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện chương trình GDMN.

Tiếp tục bồi dưỡng năng lực chuyên môn về nội dung, đổi mới phương pháp trong thực hiện chuyên đề cho cán bộ quản lý, giáo viên thông qua nhiều hình thức; duy trì tốt việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm tại các trường MN.

Đẩy mạnh các hoạt động dạy và học nâng cao chất lượng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, đảm bảo gắn kết giữa giáo dục phát triển nhận thức với giáo dục kỹ năng sống phù hợp cho trẻ theo từng độ tuổi. Triển khai, nhân rộng các mô hình điểm cấp tỉnh và cấp huyện. Tổ chức thực hành các chủ đề, lĩnh vực, tham quan các đơn vị điển hình để học tập, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm triển khai thực hiện chuyên đề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.