Giáo viên Quảng Trị đến tận thôn bản vận động học sinh tới trường sau Tết

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một số học sinh ở các trường miền núi chưa trở lại lớp học tập nên thầy cô phải tới từng nhà vận động.

Tình trạng học sinh miền núi "quên" đến trường thường xảy ra vào thời điểm sau Tết Nguyên đán. Những năm gần đây, nhờ sự quyết liệt của các nhà trường, tinh thần trách nhiệm của các giáo viên nên tỉ lệ học sinh nghỉ học sau Tết giảm xuống. Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận không nhỏ học sinh ở các địa phương miền núi tỉnh Quảng Trị vắng học sau Tết.

Cô giáo tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Linh (huyện Hướng Hóa) đến tận nhà vận động học sinh.
Cô giáo tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Linh (huyện Hướng Hóa) đến tận nhà vận động học sinh.

Về tận thôn bản, đến từng nhà vận động học sinh

Tại huyện Hướng Hóa, sau Tết các giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Linh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đến tận nhà học sinh để vận động các em đến trường.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Linh tổ chức hoạt động dạy học từ những ngày đầu năm.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Linh tổ chức hoạt động dạy học từ những ngày đầu năm.

Theo thống kê, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Linh có hơn 490 học sinh; trong đó cấp Tiểu học có hơn 280 em và cấp THCS có hơn 205 học sinh. Đến sáng 30/1, tỉ lệ học sinh chuyên cần đạt 88,26%, trường có 58 em vắng học.

Thầy giáo Lê Minh Quốc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Linh cho biết, sau Tết nhà trường đã tổ chức gặp mặt cán bộ, giáo viên và tổ chức dạy học theo đúng thời gian quy định. Không khí thi đua dạy học được triển khai nghiêm túc ngay từ những ngày đầu năm.

Học sinh trở lại học tập sau Tết tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Linh.
Học sinh trở lại học tập sau Tết tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Linh.
Gác lại kỳ nghỉ tết, các giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Linh tổ chức dạy học nghiêm túc. (Ảnh: Minh Quốc).
Gác lại kỳ nghỉ tết, các giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Linh tổ chức dạy học nghiêm túc. (Ảnh: Minh Quốc).

Đối với các lớp, giáo viên nắm bắt cụ thể sĩ số học sinh. Từ chiều 29/1 (Chủ nhật), Ban giám hiệu động viên các giáo viên đến từng thôn, bản, tới tận nhà để vận động học sinh trở lại lớp học tập.

Trường Tiểu học Húc (xã Húc, huyện Hướng Hóa) có 7 điểm trường, tổng số khoảng 553 em học sinh, với 34 lớp. Ngoài điểm trường ở khu vực trung tâm, còn có điểm trường ở các thôn: Húc Ván, Tà Rùng, Cu Dông, Tà Cu, Húc Thượng, Ho Le. Các điểm trường đều nằm ở địa bàn miền núi, đường giao thông đi lại khó khăn. Trong khi khoảng cách giữa các điểm trường rất xa.

Thầy giáo Đoàn Văn Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc cho biết, đối với học sinh miền núi, giai đoạn sau kỳ nghỉ Tết thường có nhiều học sinh vắng học. Do đó, nhà trường đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp: kết hợp hội cha mẹ học sinh, cán bộ thôn, xã, lẫn liên hệ với từng phụ huynh... để vận động học sinh đến trường chuyên cần.

“Đến sáng nay, toàn trường còn vắng khoảng hơn 50 em. Nhưng qua nắm bắt, các em học sinh có việc gia đình, hoặc ốm đau, chứ không có học sinh nào có nguy cơ bỏ học. Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các thầy cô theo dõi để có biện pháp vận động, tuyên truyền các em trở lại lớp, duy trì việc chuyên cần”, thầy Anh cho hay.

Tại Trường TH và THCS A Xing, nhân dịp Tết Nguyên đán, nhà trường đã tổ chức phát động mừng tuổi cho học sinh. Bên cạnh những phong bao lì xì, thì sách cũng là món quà được thầy cô giáo sử dụng để mừng tuổi trong dịp này.

Giáo viên đến tận nhà học sinh để mừng tuổi và lì xì sách. (Ảnh: Mai Trọng).

Giáo viên đến tận nhà học sinh để mừng tuổi và lì xì sách. (Ảnh: Mai Trọng).

Theo đó, trong các ngày mùng 4, 5 Tết, hơn 150 đầu sách, truyện đã được các giáo viên đến tận nhà tặng cho học sinh. Đây là hoạt động nhằm phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học tốt, tạo động lực và tinh thần học tập sau những ngày tết nghỉ Tết.

Chưa có hiện tượng học sinh bỏ học

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho biết, nhằm đảm bảo duy trì số lượng, hạn chế tình trạng học sinh vắng học sau Tết, trước đó Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp. Đó là chỉ đạo các trường tích cực tham mưu với chính quyền và các ban ngành đoàn thể địa phương phân công cán bộ, đảng viên phụ trách các thôn, bản. Hiệu trưởng các trường thường xuyên báo cáo với Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn về việc học sinh vắng học cũng như một số giải pháp tuyên truyền nhắc nhở phụ huynh động viên con em đến trường.

Các trường phối hợp với lực lượng biên phòng đưa học sinh đến lớp.

Các trường phối hợp với lực lượng biên phòng đưa học sinh đến lớp.

Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác huy động, duy trì số lượng học sinh, bám lớp, bám dân, bám học sinh sau Tết để vận động học sinh đi học chuyên cần. Tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần không để học sinh nghỉ học, bỏ học dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Rà soát để tìm ra các đối tượng học sinh vắng học để có biện pháp vận động phù hợp với từng học sinh.

Giáo viên đến nhà để hỗ trợ học sinh khó khăn, đưa các em đến trường.

Giáo viên đến nhà để hỗ trợ học sinh khó khăn, đưa các em đến trường.

Đối với các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhà trường chủ động phối hợp với chính quyền địa phương huy động các nguồn lực giúp đỡ kịp thời cho các em trong và sau Tết.

Không khí học tập phấn khởi những ngày đầu năm.

Không khí học tập phấn khởi những ngày đầu năm.

Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức cho học sinh vui Xuân lành mạnh, gắn với việc hướng dẫn các em dành thời gian thích hợp để tự học trong thời gian nghỉ Tết; kịp thời vận động học sinh đi học chuyên cần.

Các trường tổ chức trò chơi để học sinh phấn khởi đến lớp. (Ảnh: Thanh Nga).

Các trường tổ chức trò chơi để học sinh phấn khởi đến lớp. (Ảnh: Thanh Nga).

"Với sự chỉ đạo quyết liệt của Phòng GD&ĐT, các xã, thị trấn nên sau Tết chưa có hiện tượng học sinh bỏ học. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyên cần hàng ngày ở một số trường chưa được cao. Phòng GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học, các em vắng học đến lớp chuyên cần", bà Nga cho hay.

Duy trì tỉ lệ chuyên cần học sinh sau Tết

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Sở GD&ĐT Quảng Trị ban hành công văn gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị thuộc Sở; Trung tâm GDNN-GDTX...

Trong đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường các giải pháp huy động học sinh đến trường, duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Rà soát các đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học, phân loại để có biện pháp phù hợp với từng học sinh.

Đối với học sinh nghèo, khó khăn cần huy động các nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời các em trong dịp Tết, không được để cho học sinh phải bỏ học do hoàn cảnh khó khăn.

Đối với học sinh cá biệt, nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm liên hệ trực tiếp với gia đình học sinh, các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng chức năng ở địa phương trong dịp Tết để phối hợp quản lý giáo dục. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục, tổ chức cho học sinh vui Xuân lành mạnh gắn với việc hướng dẫn các em dành thời gian thích hợp để tự học trong thời gian nghỉ Tết.

Sau thời gian nghỉ Tết, trở lại công tác, Trưởng phòng Giáo dục đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các cơ sở giáo dục phải trực tiếp chỉ đạo việc rà soát sĩ số học sinh. Nếu có học sinh bỏ học cần kịp thời tìm hiểu nguyên nhân, tổ chức vận động, giúp đỡ để học sinh tiếp tục đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.