Nạn nhân của những ước mơ dang dở
Kết cục xót xa của một học sinh tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TPHCM) mấy ngày qua đã làm cho bao ông bố, bà mẹ phải giật mình suy ngẫm. Sáng 10/4 một nam sinh lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TPHCM) đã gieo mình từ mái tôn lầu 4 của lớp học xuống sân trường tự tử. Mặc dù một số thầy cô và bạn bè nhìn thấy em có ý định tìm đến cái chết cho bản thân mình, nhưng không thể nào ngăn cản được.
Trong lá thư tuyệt mệnh được gửi lại, em cho biết mình đã chịu nhiều áp lực trong học tập và không đáp ứng được kỳ vọng từ gia đình. Sự việc xảy ra khiến ai cũng bàng hoàng, thương xót. Tương lai của một cậu bé 16 tuổi đã vĩnh viễn bị đóng sập lại chỉ vì em không thể chịu đựng hơn được nữa những áp lực đến với mình.
Một phụ huynh trên mạng xã hội đã bày tỏ quan điểm: “Vì mong muốn con thành đạt mà nhiều phụ huynh đã tạo cho con những áp lực của bản thân. Họ không biết rằng điều mà họ mong muốn lại khiến những đứa trẻ phải gồng mình lên hàng ngày…
Cứ thế giờ ăn, giờ ngủ, giờ chơi của các con bị co hẹp lại, thay vào đó là những giờ học thêm ngoài các lớp học chính khóa. Bởi những người cha, người mẹ quan niệm rằng chỉ có học thật giỏi, thật tốt thì các con mới thi đỗ vào những trường danh tiếng để có tương lai xán lạn. Vì vậy, những đứa trẻ đáng thương cứ lùi lũi cố gắng theo những gì mà người lớn mong muốn còn bản thân các con liệu có hạnh phúc? Nhiều đứa trẻ trở thành nạn nhân của những ước mơ dang dở của bố mẹ chúng. Có lẽ đó là những điều bất hạnh nhất.”
Sau mỗi một vụ việc thương tâm xảy đến, có lẽ mọi người mới nghĩ hãy để cho con trẻ được sống và học tập theo những mong muốn thật sự của chúng. Điều quan trọng là cha mẹ cần trang bị cho các con niềm tin vào cuộc sống và nghị lực của chính bản thân mình.
Yêu thương con bằng sự hiểu biết của mình
Việc trẻ em trầm cảm và dẫn tới tự tử có rất nhiều vấn đề liên quan và không thể có một phương thức chung nào giải quyết được mọi vấn đề. Tuy nhiên, bố mẹ và những người thân phải quan tâm, để ý hàng ngày tới con mình mới giảm thiểu được những tác động đưa con tới những sự việc nghiêm trọng đáng tiếc.
Trong 20 năm làm việc ở báo Hoa học trò, nhà báo Thu Hà tại TPHCM đã nhận được khá nhiều bức thư cùng những tâm sự của các bạn học sinh. Vì vậy chị hiểu được những diễn biến tâm lý cùng những biến đổi trong quá trình trưởng thành của các bạn trẻ. Chị đã chia sẻ từ trải nghiệm của bản thân mình với các phụ huynh: Việc làm nhiều bài tập không giúp con học giỏi lên. Điều quan trọng hơn là tạo hứng thú học cho các con.
Theo chị, nếu con hứng thú học và bài học được chuyển tải một cách sinh động thì con chỉ cần một khoảng thời gian ngắn là đã lĩnh hội được kiến thức. Ở nhiều nước trên thế giới như Phần Lan, Canada hay Mỹ… trẻ con liên tục được tham gia các hoạt động học tập và tự các con khám phá, tự các con lên dự án để học tập. Với cách học như vậy trẻ rất thích thú. Điều mà các con nên được học đó là cảm xúc, là những kết nối, là cách giao tiếp, là các bộ môn nghệ thuật, thể thao…Như vậy có rất nhiều điều cần phải học chứ không phải chỉ có việc học thuộc lòng những kiến thức trong sách.
Chị Thu Hà cũng cho biết: Bố mẹ không nên đặt áp lực lên con cái. Việc trẻ con bị khủng hoảng, trầm cảm được phản ánh trên mạng xã hội cũng chỉ là một phần của tảng băng chìm. Đa số các nguyên nhân dẫn đến việc con bị trầm cảm là xuất phát từ người lớn. Tuy nhiên, cha mẹ thường không nhận ra việc mình cũng rất cần phải học, phải thay đổi để hiểu con và nuôi dạy con một cách hợp lý. Bố mẹ phải biết yêu thương con bằng sự hiểu biết của mình.