(GD&TĐ) -Gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng nóng lên bàn về chuyện tuổi nghỉ hưu, và có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Từ quan điểm nghiên cứu về giới, chúng tôi cho rằng cần tiếp cận từ góc độ công bằng và bình đẳng giới, đặc biệt lưu ý đến việc tạo cơ hội và quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Luật bình đẳng giới (2006) đã xác định Mục tiêu bình đẳng giới là “xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình” (điều 4). Bình đẳng giới được hiểu là “nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó” (điều 5). Quan điểm này, nhìn ở chiều cạnh lao động, việc làm đã thể hiện được tinh thần của công ước CEDAW, theo đó “Các nước tham gia Công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ trong lĩnh vực việc làm nhằm đảm bảo những quyền như nhau trên cơ sở bình đẳng nam nữ” (điều 11).
Bộ luật lao động được Quốc hội sửa đổi và thông qua năm 2012 sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2013. Trong đó quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi. Đồng thời quy định: Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá năm năm. Đáng chú ý là, tại khoản 3 điều 187 Bộ luật lao động quy định có thể kéo dài tuổi hưu là kéo dài “không quá năm năm”, quy định này cho cả nam và nữ chứ không phải cho riêng nam hoặc cho riêng nữ. Đây là một điểm mới thể hiện sự công bằng giới trong việc tạo cơ hội cho cả nam và nữ kéo dài tuổi nghỉ hưu, không có sự phân biệt. Trên phương diện này, Bộ luật lao động phần nào đã thể hiện được mục tiêu của bình đẳng giới trong Luật BĐG năm 2006.
Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp các nhà khoa học nữ có thêm cơ hội thể hiện khả năng của mình |
Ý kiến tranh luận nhiều nhất xung quanh tuổi nghỉ hưu phần lớn liên quan đến nhóm quản lý, lãnh đạo từ cấp vụ trở lên. Đây là điểm mới trong dự thảo Nghị định hướng dẫn, vì trước đó đã có một số đối tượng được kéo dài thời gian công tác khi đến tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên diện khá hẹp, chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy và trong thời gian kéo dài thêm thì người đó không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Chỉ riêng cán bộ nữ từ cấp Thứ trưởng được kéo dài thời gian làm việc mà giữ nguyên chức vụ quản lý.
Chủ trương kéo dài tuổi nghỉ hưu với những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao hoặc là cán bộ lãnh đạo quản lý từ cấp vụ trở lên, đã cho thấy cách tiếp cận về cơ hội và quyền của người lao động. Tạo cơ hội có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhưng người lao động cũng có quyền nghỉ mà không kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tất nhiên, cơ hội và quyền này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: sức khoẻ, sự mong muốn, nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động,..v.v. Chúng tôi quan niệm rằng, với nhóm được kéo dài tuổi nghỉ hưu nên khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao với vai trò chuyên gia chứ không nên làm lãnh đạo, quản lý. Nói cách khác, đến tuổi nghỉ hưu dù không làm lãnh đạo, quản lý nhưng vẫn có thể cống hiến kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Nhìn từ quan điểm bình đẳng giới, với nhóm phụ nữ thuộc tầng lớp “tinh hoa” trong diện được kéo dài tuổi nghỉ hưu thì chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, còn đa số lao động nữ theo Bộ Luật lao động nước ta vẫn “được” nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm, và phụ nữ chiếm già nửa lực lượng lao động của xã hội nhưng không có cơ hội bình đẳng với nam giới trong tuổi nghỉ hưu. Cũng có quan điểm cho rằng, phụ nữ nghỉ hưu sớm 5 năm so với nam giới là cân nhắc đến vai trò sinh đẻ và nuôi dạy con cái của phụ nữ. Nếu đây là một “sự ưu tiên” với lao động nữ thì nó cũng thu hẹp cơ hội việc làm của hàng triệu lao động nữ, những người đủ điều kiện sức khoẻ, trình độ, kinh nghiệm và quan trọng hơn, họ khao khát được cống hiến và đóng góp năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội.
Vì thế, để tạo cơ hội công bằng và giảm bất bình đẳng đối với lao động nữ, theo tôi nên và cần phải nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên bằng với nam giới (60 tuổi). Có ý kiến cho rằng, “chúng ta đang có khoảng 80% người lao động có quan hệ lao động ở trong khối sản xuất kinh doanh thì rất khó có khả năng nâng tuổi nghỉ hưu nữ bằng nam”, nhưng cần phân biệt giữa quyền được nghỉ hưu và nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định của pháp luật. Với lao động nữ làm việc ở những ngành nghề độc hại, nặng nhọc họ có thể nghỉ hưu sớm theo nguyện vọng. Ngay cả với các quốc gia phát triển, cả nam và nữ cũng không nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định của luật lao động (xem bảng). Bảng số liệu cho chung ta mấy nhận xét đáng lưu ý:
Một là, trong 7 quốc gia nói trên, chỉ có Áo và Italy tuổi nghỉ hưu theo quy định của nam cao hơn nữ 5 năm (65 và 60 tuổi), trong khi 5 quốc gia còn lại quy định tuổi nghỉ hưu nam và nữ như nhau: 65 tuổi.
Hai là, tuổi nghỉ hưu trung bình thực tế của nữ không hề thua kém nam giới. Với 3 nước có tuổi nghỉ hưu trung bình thực tế của nữ cao hơn nam (Phần Lan, Pháp, Tây Ban Nha),
Ba là, không có nước nào mà lao động nam giới sử dụng hết số năm lao động theo quy định. Họ thường nghỉ hưu sớm hơn từ 1.3 năm đến 4.5 năm.
Đây là một minh chứng về cơ hội và quyền của người lao động trong xã hội phát triển, điều mà Việt Nam cần hướng tới trong quá trình hội nhập.
PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh