Tăng tuổi hưu: Cần có lộ trình

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tính toán, cân nhắc đưa phương án đề xuất tăng tuổi hưu vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động 2012 để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ vào năm 2017

Tăng tuổi hưu: Cần có lộ trình

Theo quy định tại khoản 1, điều 187 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 về tuổi nghỉ hưu , người lao động (NLĐ) bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Ngoài ra, NLĐ nếu bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn. Ngược lại, NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định.

Nhiều phương án

Ngày 11-10, ông Phạm Minh Huân , Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết cơ quan này đang cân nhắc các phương án tăng tuổi nghỉ hưu của NLĐ trước khi đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung BLLĐ 2012. Ông Huân khẳng định hiện chưa có phương án cụ thể nào được chốt. Tất cả mới chỉ là ý kiến đang được bàn thảo trong quá trình tổng kết 3 năm thi hành BLLĐ 2012.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Minh Huân tiết lộ có thể có nhiều phương án được đưa ra. Theo đó, đối với nam sẽ tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62; nữ từ 55 lên 58 hoặc từ 55 lên 60 tuổi. Dù khẳng định việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và cân đối quỹ lương hưu nhưng ông Huân cũng cho rằng việc này phải cân nhắc kỹ, tính từng bước để rút dần khoảng cách giữa nam và nữ. Phương án tăng tuổi hưu của nữ từ 55 lên 60 và từ 60 lên 62 đối với nam trước đây từng được đưa ra Quốc hội nhưng chưa được chấp nhận.

“Các phương án trên chưa chính thức. Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến các chuyên gia và cơ quan liên quan trước khi đưa vào dự thảo luật” - ông Huân cho biết.

Tang tuoi huu: Can co lo trinh - Anh 1

Việc nâng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét một cách tổng thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng Ảnh: KHÁNH AN

Trước đó, ngày 4-10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2016, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã xác nhận Bộ LĐ-TB-XH đang nghiên cứu, lấy ý kiến về nâng tuổi nghỉ hưu của NLĐ. Ông Dũng khẳng định việc nâng tuổi nghỉ hưu của NLĐ là xu thế tất yếu và được nhiều quốc gia thực hiện. Tuổi nghỉ hưu ở nước ta được quy định và duy trì từ lâu, đến nay đã có nhiều yếu tố thay đổi, trong đó có sức khỏe và tuổi thọ của người dân được nâng lên (trên 73 tuổi).

Người phát ngôn của Chính phủ cũng nhấn mạnh việc nâng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét một cách tổng thể, phù hợp với tuổi thọ trung bình và điều kiện kinh tế - xã hội; bảo đảm việc làm, thu nhập của NLĐ đang làm việc và người bước vào độ tuổi lao động ; bảo đảm an sinh xã hội, chế độ hưu trí. “Vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu của NLĐ liên quan đến lực lượng lao động xã hội, quyền lợi của NLĐ và có tác động xã hội rộng lớn. Vì thế, cần phải nghiên cứu, phân tích kỹ với nhiều phương án, lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định” - ông Dũng nhấn mạnh.

Nỗi lo già hóa dân số

Bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - cho biết dự kiến trong năm 2017, Chính phủ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Để làm được điều này thì cần phải tổng kết 3 năm thực hiện BLLĐ 2012, sau đó mới có thể tiến hành sửa đổi, bổ sung.

Theo bà Minh, bất cứ quốc gia nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH giữa thời gian đóng, mức đóng, mức hưởng và thời gian hưởng; phải xây dựng chính sách dài hạn, có sự kế tiếp và chuyển tiếp. Do đó, khi xã hội ngày càng phát triển, GDP tăng và mức sống, thể chất, thể lực, tuổi thọ của NLĐ cao hơn thì cũng cần phải tăng tuổi nghỉ hưu. Bà Minh cho rằng việc nâng tuổi nghỉ hưu nên làm từ từ, cần điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tùy theo loại hình lao động cho phù hợp với điều kiện lao động và sức khỏe.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết trên thực tế, một số nhóm NLĐ trong cơ quan hành chính nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia đã được nâng tuổi hưu . Theo lãnh đạo BHXH, đời sống vật chất, công tác chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng được cải thiện, tuổi thọ bình quân của người dân đã lên tới 73. Việt Nam sắp bước vào thời kỳ già hóa dân số, nếu không chuẩn bị sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực cung ứng cho nền kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam đang thiếu lực lượng lao động có chất lượng cao. Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì sẽ dẫn tới lãng phí nguồn nhân lực này.

Khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, một bộ phận NLĐ có cơ hội kéo dài thời gian làm việc , cống hiến và tham gia BHXH . Sau này, họ có lương hưu cao hơn, giúp tránh gặp khó khăn về tài chính khi bước vào giai đoạn tuổi già.

“Tất nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của một bộ phận lao động trẻ nhưng cũng chỉ một vài năm giai đoạn đầu. Còn sau khi đã cân bằng người vào, người ra khỏi hệ thống BHXH thì sẽ không còn tình trạng đó” - bà Minh nhận xét.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh việc tăng tuổi nghỉ hưu là chuyện của cả thế giới, không chỉ riêng Việt Nam, tùy theo điều kiện kinh tế. Việt Nam đang trong quá trình già hóa và dân số vàng đan xen. Vì vậy, vấn đề tận dụng được nguồn nhân lực - bảo đảm được việc làm - bảo đảm được Quỹ BHXH là 3 trục song song nhau trong vấn đề tính toán. Hiện tại, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu về vấn đề này.

Phân loại ngành nghề, công việc để điều chỉnh

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, tăng tuổi hưu sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động và việc làm của lớp trẻ. Vì vậy, theo kinh nghiệm thông thường, các nước tăng dần tuổi hưu, thậm chí có nước 5 năm mới tăng 1 tuổi để không tác động mạnh đến thị trường lao động. Ngoài ra, tăng tuổi hưu phải đi đôi với các biện pháp bảo đảm việc làm cho NLĐ để họ đủ điều kiện hưởng lương hưu. Vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH sẽ phân loại để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo từng ngành nghề, đặc thù công việc.

Ông Phạm Việt Long, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Thời trang và Xe đạp Martine 107 (quận 3, TP HCM):

Không làm mất cơ hội của người trẻ

Khi đời sống được nâng cao, trình độ khoa học - kỹ thuật phát triển, tuổi thọ con người được nâng lên thì việc kéo dài thời gian làm việc là điều tất yếu. Với những lao động có trình độ, bằng cấp, tôi thấy đến tuổi này rất chín, từ kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, công tác quản lý đều tốt. Do vậy, nếu để họ nghỉ hưu thì rất lãng phí.

Tuy nhiên, theo tôi, việc tăng tuổi hưu cần phải có lộ trình, không thể đột ngột thực hiện. Việc tăng tuổi hưu cũng phải tính toán hợp lý để không làm mất đi cơ hội của người trẻ, người tài. Khi có lộ trình thực hiện, những người trẻ, người có có học thức sẽ dần dần thay thế những người sống lâu lên lão làng. Cộng thêm kinh nghiệm làm việc, họ sẽ tiếp quản tốt công việc, giúp đất nước phát triển.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hoài, Công nhân Công ty CP Thủy sản Sài Gòn Food (KCN Vĩnh Lộc, TP HCM):

Chính sách phải linh hoạt

Công nhân ngành thủy sản như chúng tôi làm việc trong môi trường lạnh cộng thêm việc đứng mỗi ngày hơn 8 giờ khiến sức khỏe suy yếu. Về thể trạng, người Việt Nam không thể so sánh với người nước ngoài; ngay cả với các nước châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, người Việt cũng kém hơn. Việc chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, môi trường sống ở Việt Nam cũng thua xa các nước. Vì thế, tôi nghĩ nếu tăng tuổi hưu thì nên tăng ở các ngành nghiên cứu hoặc làm việc trí óc như bác sĩ, kỹ sư, chuyên gia...; còn lao động phổ thông, lao động chân tay, công nhân ở các ngành dệt, may, da giày, chế biến thủy sản, cơ khí... thì nên giữ nguyên như quy định hiện hành.

Ở các ngành thâm dụng, lao động nữ 50 tuổi, nam 55 tuổi thì năng suất đã giảm, muốn làm đến tuổi hưu cũng khó vì chủ doanh nghiệp không muốn giữ. Vì thế, tăng tuổi hưu nên linh động theo từng ngành nghề và để NLĐ được tự lựa chọn tùy theo điều kiện làm việc, tình trạng sức khỏe.

Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vĩ Châu (quận 7, TP HCM):

Phù hợp từng nhóm đối tượng

Theo ý kiến cá nhân, tôi thấy việc tính toán tuổi hưu cần hướng tới 2 nhóm đối tượng. Với nhóm lao động trực tiếp (lao động chân tay), quy định tuổi hưu như hiện nay (nam 60, nữ 55) là phù hợp. Nhóm đối tượng này là lao động chân tay, chủ yếu làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chưa kể điều kiện sinh hoạt và dinh dưỡng kém nên họ cần nghỉ ngơi sớm. Việc kéo dài tuổi hưu với nhóm đối tượng này là không cần thiết.

Đối với nhóm lao động trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp (cán bộ, công chức, viên chức), theo tôi có thể xem xét nâng lên mức nam 62 tuổi và nữ 60 tuổi song cần có lộ trình cụ thể, trong đó ưu tiên đối tượng có trình độ cao. Thực tế, nhiều lao động thuộc nhóm này ở độ tuổi 55-60 vẫn còn đủ sức khỏe, kinh nghiệm và có thể đóng góp cho xã hội.

Khánh An - Hồng Đào ghi

Theo NLĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều bố mẹ dạy con rằng “Là con trai phải mạnh mẽ”, nhưng dường như câu nói đó vô tình khiến nhiều trẻ không dám thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Ảnh minh họa: INT.

Con trai không được khóc?

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ đau đầu khi thấy con tuy đã lớn, đặc biệt là con trai, nhưng vẫn thường xuyên khóc nhè.

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

GD&TĐ - Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.

Áp phích có hình chữ V ở Mỹ trong Thế chiến II.

Dấu hiệu chữ V có từ khi nào?

GD&TĐ - Một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ và ngón giữa với lòng bàn tay hướng ra ngoài được gọi là 'dấu hiệu chữ V', biểu tượng chiến thắng.

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.