Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, kinh tế thế giới quý IV và cả năm 2016 đã chứng kiến những biến động lớn, ẩn chứa nhiều yếu tố bất định. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự kiện chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ. Bên cạnh đó, giá năng lượng và lương thực thế giới phục hồi ổn định và Mỹ nâng lãi suất khi đã thấy đủ tự tin thoát khỏi suy thoái kinh tế. Trước đó, một sự kiện đáng kể trong năm là Brexit, gây ra nhiều phán đoán và nhiều thông điệp khác nhau về tương lai.
VEPR cho rằng quý IV/2016 tiếp tục chứng kiến những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, sau nửa đầu năm suy giảm mạnh. Tăng trưởng đạt 6,68%, cao hơn so với mức 6,56% của quý III, dù vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước (2014: 6,96%; 2015: 7,01%). Trong đó, nông nghiệp tăng trưởng cao hơn 9 tháng đầu năm và đạt 2,96% trong quý IV.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mức 6,68% của năm 2015 và mục tiêu 6,3 - 6,5% mà Chính phủ đặt ra trong phiên họp thường kỳ tháng 9. Đặc biệt, suy giảm thấy rõ trong ngành nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng. Khu vực nông nghiệp, vốn chiếm 11 - 13% GDP, ước tính chỉ tăng 0,72% trong cả năm 2016 và chỉ đóng góp được 0,09 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.
Ước tính năm 2016 ngành khai khoáng suy giảm tới 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái, làm giảm 0,33 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) giảm dần so với mức tăng cùng kỳ năm 2015. Tính tới cuối năm, chỉ số này chỉ tăng 7,5%, thấp hơn con số 9,8% cùng kỳ năm 2015.
Về lạm phát, báo cáo cho thấy lạm phát quý IV tăng mạnh sau các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giá xăng dầu. Theo đó, lạm phát toàn phần cuối năm tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn duy trì trong khoảng 1,7 - 1,9% trong suốt quý IV và cả năm 2016, khoảng cách giữa lạm phát và lạm phát lõi ngày càng được nới rộng. Điều này cho thấy rõ sự gia tăng mạnh trong chỉ số giá các nhóm hàng lương thực - thực phẩm, năng lượng và do Nhà nước quản lý.
VEPR cũng đánh giá, điều hành tiền tệ trong năm 2016 là linh hoạt và chặt chẽ. NHNN vẫn theo sát mục tiêu ổn định lạm phát và thận trọng với mục tiêu này. Tuy nhiên, càng về cuối năm các nhân tố làm tăng lạm phát xuất hiện càng nhiều hơn, bao gồm sự phục hồi trong giá năng lượng và điều chỉnh giá dịch vụ công. NHNN đã có lưu ý về nguy cơ lạm phát quay trở lại trong năm 2017, đồng thời đã có những cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới…
Tổng hợp các diễn biến, VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế quý I/2017 đạt 5,8%, lạm phát 5,8%; quý II tăng trưởng 6,2%, lạm phát 5,8%; quý III tăng trưởng 6,6%, lạm phát 6,2%; quý IV tăng trưởng 6,7%, lạm phát 5,9%. Cả năm dự báo tăng trưởng 6,4%, lạm phát chưa xác định.