Tăng tốc tuyển dụng lao động thời vụ: Cần phúc lợi hấp dẫn

GD&TĐ -Gần đến những ngày nghỉ lễ, nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí của người dân tăng cao cũng là lúc nguồn lực lao động được các doanh nghiệp “săn đón”.

Nhiều lao động thời vụ có xu hướng về quê nghỉ lễ khiến doanh nghiệp “khát” nhân lực.
Nhiều lao động thời vụ có xu hướng về quê nghỉ lễ khiến doanh nghiệp “khát” nhân lực.

Khó khăn tìm nhân sự

Chị Lê Phương Nhung, sinh viên Trường Đại học Thương mại (Hà Nội) chia sẻ, thời điểm nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới đang có nhiều băn khoăn khi chưa xác định được có nên về quê hay ở lại Hà Nội làm thêm.

Theo chị Nhung, vào những đợt nghỉ lễ, nếu có thể thu xếp thời gian làm thêm một công việc nào đó thì mức lương có thể sẽ được gấp nhiều lần ngày thường. Tuy nhiên, chị Nhung rất mong muốn tìm được công việc phù hợp và mức lương xứng đáng để bù đắp cho thời gian và công sức mình bỏ ra khi ở lại làm việc.

Đãi ngộ và mức lương xứng đáng để bù đắp cho thời gian, công sức bỏ ra là mong muốn và yêu cầu của hầu hết người lao động khi có ý định làm việc xuyên lễ. Song, ông Nguyễn Đức Minh, chủ một chuỗi dịch vụ khách sạn tại Hà Nội cho biết, mặc dù đơn vị đã áp dụng các chính sách tăng lương, thưởng và chế độ đãi ngộ hấp dẫn, việc tuyển dụng nhân viên trong giai đoạn này vẫn gặp nhiều khó khăn.

“Lý do là bởi nguồn cung lao động hạn chế và nhu cầu về quê, chơi lễ của người lao động cũng tăng cao. Có thể, do yếu tố tâm lý người lao động mong muốn được về quê để thư giãn, nghỉ ngơi nạp lại năng lượng, hoặc họ mong muốn mức thu nhập cao hơn so với mức lương mà công ty đề ra. Do đó, việc tuyển dụng nhân viên thời vụ trong giai đoạn nghỉ lễ còn nhiều bất cập”, ông Minh cho biết.

Theo ông Trần Ngọc Minh, CEO Công ty truyền thông Media Hedi cho biết, dịp lễ, tết là các dịp đắt show nhất của những người làm truyền thông sự kiện, nên hầu hết các nhân viên mảng media, tổ chức sự kiện sẽ tất bật tranh thủ chạy show những ngày này.

Tuy nhiên, do số lượng nhân sự có hạn, không thể tuyển nhân sự và đào tạo trong thời gian ngắn nên đơn vị cũng chỉ có thể chọn lọc và nhận một số dự án phù hợp để đảm bảo chất lượng cũng như mang đến sự hài lòng cho khách hàng.

Nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế khiến cho thị trường lao động dịp lễ trở nên “nóng hổi”. Để giải quyết vấn đề tìm người “chạy” sự kiện, các doanh nghiệp cần có những giải pháp hiệu quả, ngoài việc đưa ra mức lương, thưởng và chế độ đãi ngộ, bên cạnh đó doanh nghiệp nên chủ động lên kế hoạch tuyển dụng ít nhất 1 - 2 tháng trước dịp lễ để có thời gian tìm kiếm nguồn ứng viên phù hợp.

Dịp lễ là thời điểm “ăn nên làm ra” của nhiều người lao động, đặc biệt là các bạn sinh viên, học sinh. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nhân sự. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cần có những giải pháp hiệu quả để thu hút và giữ chân nhân viên, đồng thời đảm bảo lợi ích cho cả hai bên.

tang toc tuyen dung lao dong thoi vu2.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Cẩn trọng “bẫy” tuyển dụng việc làm thời vụ

Chị Đào Huyền Chi (huyện Ba Vì, Hà Nội) nhận được tin nhắn với nội dung tuyển lao động, mức thu nhập lên đến một triệu đồng/ngày mà không cần bằng cấp, kinh nghiệm. Do đang trong thời gian chăm sóc con nhỏ, có thể làm việc trực tuyến để kiếm thêm thu nhập, chị Chi đồng ý nhận công việc.

Sau đó, chị Chi nhận được đường dẫn (link) đến một trang web, được giới thiệu là của một công ty nội thất hàng đầu Việt Nam. Công việc của chị Chi là đăng ký tài khoản trên trang web, tham gia những trò chơi nhằm tăng tính tương tác của trang web này.

Theo quảng cáo, thù lao chị Chi nhận được sẽ phụ thuộc vào số lượng người tham gia cùng chơi với chị. Sau khi đăng ký thành công, người hướng dẫn yêu cầu chị Chi nộp 5 triệu đồng để mở tài khoản. Khi chị Chi chuyển khoản xong thì mới biết, trang web nêu trên chỉ để tạo sự tin tưởng, thực chất, công việc của chị Chi là tư vấn cho một trang cờ bạc trực tuyến.

Tương tự, để tham gia công việc bán thời gian cho một doanh nghiệp da giày, anh Tạ Duy Bách (Sơn Tây, Hà Nội) phải nộp 1 triệu đồng tiền cọc để xác nhận mình thật sự muốn làm việc, sau một tháng sẽ được trả lại tiền cọc cùng với tiền lương.

“Tôi muốn làm thêm để có thu nhập, nhưng vì đang là sinh viên, không có nhiều tiền cho nên tôi không đồng ý chuyển khoản tiền cọc. Sau đó, tài khoản kia chặn tin nhắn khiến tôi không thể hỏi gì thêm. Nghe bạn bè nói tôi mới biết suýt chút nữa là mình bị mất tiền oan”, anh Bách cho biết.

Theo các chuyên gia, đây là chiêu thức quen thuộc của những kẻ lừa đảo trong thời gian gần đây, tuy đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng vẫn không ít người bị mắc lừa. Bên cạnh đó, việc làm thêm không có hợp đồng lao động, mọi giao dịch đều thông qua mạng xã hội cũng khiến người tìm việc trở thành những nạn nhân đáng thương.

Nguy hiểm hơn, các đối tượng lừa đảo có thể lôi kéo ứng viên làm những công việc thanh toán các đơn hàng ảo hay biến tướng đa cấp thậm chí là vi phạm pháp luật. Trên thực tế, các đối tượng lừa đảo rất biết cách đánh vào tâm lý muốn việc nhẹ, lương cao, cần ít hoặc thậm chí không cần kinh nghiệm và nhất là được chủ động về thời gian.

Theo ông Lê Tuấn Tú một chuyên gia công tác trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, qua các vụ lừa đảo xảy ra thời gian qua, có thể thấy trong các chiêu trò mà những đối tượng lừa đảo sử dụng không hề mới, trong đó chiêu trò phổ biến nhất là thu một khoản tiền để làm hồ sơ tuyển dụng. Số tiền thường không nhiều, nhưng nếu lừa được nhiều người thì đối tượng lừa đảo sẽ thu về một khoản tiền lớn...

Để tránh sập bẫy lừa đảo, người dân cần cẩn trọng khi đi xin việc. Muốn tìm được việc làm thêm dịp cuối năm, người dân nên tìm các công ty lớn hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín; cần tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp, cá nhân tuyển dụng lao động.

Khi nộp bất cứ khoản tiền nào, người tìm việc cần yêu cầu bên thu đưa phiếu thu có đóng dấu và khi giao kết với người sử dụng lao động phải lập thành văn bản, thể hiện rõ số tiền công, thời gian thanh toán...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ