Tăng tốc nhưng phải an toàn

GD&TĐ - Từ ngày 16 - 27/8, tại địa bàn huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) - nơi có tuyến cao tốc ngang qua đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Sau lễ phát động chiến dịch 500 ngày đêm, phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay các nhà thầu đã tăng tốc để hoàn thành các hạng mục cơ bản trước khi mùa mưa đến ở miền Trung.

Gói thầu đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định) có khối lượng lớn nhất trong số 12 dự án đang thi công cũng chạy nước rút. Tuy nhiên, việc “tăng tốc” nhưng thiếu an toàn, dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian gần đây.

Từ ngày 16 - 27/8, tại địa bàn huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) - nơi có tuyến cao tốc ngang qua đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết 2 người. Thủ phạm gây ra các vụ chết người không ai khác là các xe chở đất đắp nền đường phục vụ tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Thời tiết những ngày qua ở miền Trung cực kỳ khắc nghiệt nhưng từng đoàn xe chở vật liệu từ các mỏ đất vẫn tấp nập trên tỉnh lộ 624 ngang qua địa phận huyện Nghĩa Hành, bất chấp nắng nóng gay gắt.

Từ tờ mờ sáng đã thấy từng đoàn xe bóp còi inh ỏi, bụi tung mù trời, rầm rập chở những xe đất đầy ắp, nối đuôi nhau xuôi ngược trên tỉnh lộ 624.

Hàng trăm hộ dân sống dọc theo tỉnh lộ 624 quá ngán ngẩm trước tình trạng “vượt nắng” của các đoàn xe này. Các lều quán dọc đường hầu như không thể buôn bán được kể từ khi xe “tăng tốc vượt nắng”.

Sau kiến nghị của người dân là làm sao để hạn chế bụi từ các xe chở đất, các doanh nghiệp vận tải phục vụ tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã cho tưới nước liên tục trong thời gian xe chở đất hoạt động.

Tuy nhiên, tưới nước mặt đường thì hạn chế được bụi nhưng lại sinh ra… bùn! Đất rơi vãi từ các xe kết hợp với tưới nước đã biến đường nhựa thành đường bùn nhão nhoét, trơn trượt. Tỉnh lộ vốn dĩ chật hẹp, giờ liên tục các xe chở đất tránh nhau khiến người đi đường không biết tránh vào đâu.

Hoặc là dính bùn văng ra từ các bánh xe, hoặc là bị xe tải cán phải. Hai trường hợp tử vong kể trên là kết quả của việc “chạy nhanh cho đủ chuyến” từ các xe chở đất.

Bụi và bùn là không thể tránh khỏi khi thi công đường cao tốc, nhất là vào thời điểm chạy nước rút cho kịp tiến độ như Chính phủ đã giao. Người dân ở hai bên các tuyến tỉnh lộ rất bực bội nhưng họ cũng đã chia sẻ với các nhà thầu về tình trạng bụi và bùn này. Tuy nhiên, rất khó để người dân “thông cảm” khi người thân của họ bị xe chở đất cán chết chỉ vì “tăng tốc cho kịp tiến độ”.

Mới đây, nhà thầu đã cắt giảm bớt 35 xe/180 xe chở đất như là cách để không xảy ra một vụ tai nạn giao thông nào nữa. Thực ra, cắt giảm số lượng xe không giải quyết được gì về tình trạng tai nạn giao thông từ xe chở đất nếu các tài xế luôn bị nhà thầu thúc bên lưng là phải tua vòng thật nhanh để đảm bảo tiến độ như đã cam kết! Phóng bạt mạng trên đường như thế thì chuyện tông chết người là khó tránh. Vấn đề nằm ở chỗ ý thức của người lái xe chứ lỗi không nằm ở hoàn cảnh.

Tăng tốc để kịp hoàn thành dự án đúng như cam kết là giải pháp mà các nhà thầu đang áp dụng. Nhưng tăng tốc mà ảnh hưởng đến cuộc sống và tính mạng của người dân thì có nên tăng không?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.