Tăng tốc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL

GD&TĐ - Trường đại học tập trung nguồn lực phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Ảnh: Q. Ngữ
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Ảnh: Q. Ngữ

Nhiều trường đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực đào tạo theo chuẩn quốc tế, góp phần cung ứng nhân lực chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đầu tư nâng chất

TP Cần Thơ hiện có 5 trường đại học công lập và ngoài công lập gồm: Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Tây Đô và Nam Cần Thơ. Ngoài ra có 2 cơ sở giáo dục đại học là Phân hiệu Trường ĐH Kiến trúc TPHCM và Phân hiệu Trường ĐH FPT.

Những năm qua, các trường đào tạo hàng chục nghìn cán bộ, kỹ sư, bác sĩ, cử nhân… phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển TP Cần Thơ, ĐBSCL và cả nước. Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư lâu dài từ Trung ương và địa phương, cũng như chính sách huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục đại học.

Trường ĐH Cần Thơ được Chính phủ xác định là 1 trong 19 trường đại học trọng điểm của quốc gia, có quy mô lớn nhất vùng ĐBSCL. Trường đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, lĩnh vực và nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ của cả nước, đặc biệt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL.

Trường hiện có quy mô đào tạo trên 37.740 sinh viên, học viên, với 119 chương trình trình độ đại học, 52 ngành cao học và 21 ngành nghiên cứu sinh. Mỗi năm, trường có khoảng 10.000 tân cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ, cung ứng nguồn nhân lực lớn, có trình độ cao.

Theo đại diện lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ, những năm qua, bên cạnh đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thực tập, nhà trường còn quan tâm tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ trong và ngoài nước. Đội ngũ viên chức, người lao động của trường không ngừng phát triển, góp phần tích cực trong thực hiện sứ mệnh của trường tại vùng ĐBSCL.

Trường hiện có 1.889 viên chức, người lao động; trong đó có 1.075 giảng viên, với 612 tiến sĩ, đạt 56,9% (trong khi tỷ lệ này của Việt Nam là 33%). Trường còn có 20 giáo sư và 166 phó giáo sư.

Sau hơn 10 năm thành lập, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, trường đại học duy nhất trực thuộc UBND TP Cần Thơ đã ổn định tổ chức bộ máy, với đội ngũ viên chức giảng viên có trình độ sau đại học đạt trên 95%, trong đó có 4 phó giáo sư, 45 tiến sĩ, 189 thạc sĩ.
Năm học 2023 - 2024, nhà trường thực hiện thủ tục cử 12 viên chức học sau đại học trong và ngoài nước... Đặc biệt, trường có chế độ khuyến khích từ nguồn kinh phí hoạt động cho 10 viên chức hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học.

Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, năm học qua, nhà trường triển khai cải tạo cơ sở 1 (phường An Hòa, quận Ninh Kiều) và đẩy mạnh tiến độ xin chủ trương Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Cùng với cơ sở giáo dục đại học công lập, các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đã, đang đầu tư nguồn lực, khẳng định vị trí trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. Được thành lập năm 2013, Trường ĐH Nam Cần Thơ tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, các trang - thiết bị, tài liệu giảng dạy, dụng cụ thí nghiệm, học tập hiện đại đồng bộ, giáo trình tiên tiến, phục vụ đào tạo và đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học trong thời 4.0.

Đầu tháng 9/2024, nhà trường tổ chức lễ cất nóc công trình Viện Khoa học sức khỏe DNC (tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng và trang thiết bị của tòa nhà khoảng 600 tỷ đồng). Dự kiến quý I năm 2025, trường khánh thành Viện Khoa học sức khỏe DNC, nhằm phục vụ cho các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên và học viên, sinh viên.

tang-toc-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-2-8181-4168.jpg
Lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ khen thưởng sinh viên đạt điểm cao đầu vào năm 2024. Ảnh: Q. Ngữ

Đổi mới, hiện đại hóa chương trình

Các cơ sở giáo dục đại học ở TP Cần Thơ đang đẩy mạnh đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực đào tạo theo hướng chuẩn quốc tế, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời khẳng định vị thế của trường.

Năm học 2023 - 2024, Trường ĐH Cần Thơ hoàn thành kiểm định 9 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT và 16 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA, nâng tổng số lên52 chương trìnhđào tạo được công nhận đạt chuẩn chất lượng. Trường là một trong 9 cơ sở giáo dục của Việt Nam được ghi tên trong Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học tốt nhất toàn cầu do US News & World Report Rankings công bố.

Theo PGS.TS Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, năm học 2024 - 2025, nhà trường trình Đề án phát triển Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH Cần Thơ và thành lập Phân hiệu ĐH Cần Thơ tại tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng; triển khai Đề án Nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng khoa học của TP Cần Thơ và ĐBSCL.

Tiếp tục cập nhật và cải tiến chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy, học và đánh giá kết quả học tập của người học theo chuẩn đầu ra; rà soát, mở các ngành đào tạo mới thuộc những lĩnh vực tiên phong, công nghệ lõi... Bên cạnh tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế, trường tiếp tục triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo 7 lĩnh vực nghiên cứu khoa học ưu tiên; tiếp tục phát triển cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu theo định hướng đại học thông minh.

Đối với Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, chiến lược phát triển đến năm 2030, phấn đấu trở thành trường đại học theo định hướng ứng dụng liên ngành phù hợp với xu thế phát triển trong thời kỳ công nghệ 4.0.

Ðể đạt được mục tiêu này, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế gắn với đào tạo liên ngành quản lý, kỹ thuật, công nghệ, chú trọng hoạt động chuyển giao công nghệ vào thực tiễn, nhằm xây dựng uy tín, thương hiệu.

PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ cho biết thêm, năm học 2024 - 2025, trường triển khai mạnh mẽ công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; đẩy mạnh phong trào học ngoại ngữ, hội nhập quốc tế trong sinh viên và giảng viên.

Trường tiếp tục đưa tiếng Nhật vào giảng dạy trong chương trình chính khóa cho sinh viên; chú trọng công tác kiện toàn đội ngũ lãnh đạo cấp khoa, bộ môn cũng như thu hút nguồn nhân lực có trình độ tiến sĩ…

Trong khi đó, Trường ĐH Nam Cần Thơ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ cấu ngành, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trường tăng cường hiệu quả hợp tác với đối tác quốc tế, nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên bằng cách chọn lọc đưa vào sử dụng một số chương trình đang được giảng dạy tại các trường đại học nước ngoài phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam…

Nhà trường đổi mới, hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo; tăng cường đổi mới và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức hoạt động đào tạo... nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động và nhu cầu học tập đa dạng của người học trong bối cảnh mới… -PGS.TS Võ Khắc Thường (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.