Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng: Lợi bất cập hại

GD&TĐ - Sau thời gian đưa ra lấy ý kiến và nhận được nhiều phản đối từ các chuyên gia và dư luận về nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường, nay Bộ Tài chính lại tiếp tục đưa ra đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung.   

Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng: Lợi bất cập hại

Các chuyên gia kinh tế và nhiều người dân cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường không những làm tăng giá xăng, dầu mà còn khiến nhiều mặt bằng giá hàng hóa khác sẽ tăng theo, ảnh hưởng không nhỏ đến túi tiền của người dân...

Có khuyến khích người dân sử dụng xăng E5?

Đánh giá tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường với người dân và nền kinh tế, trong bản Báo cáo đánh giá tác động, Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì thuế bảo vệ môi trường là một trong các yếu tố cơ bản cấu thành giá cơ sở (là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu).

Theo đó, với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chỉ tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng, nếu giá dầu thô không biến động nhiều, các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi thì đối với xăng, tỷ lệ tăng thuế bảo vệ môi trường trong giá bán khoảng 4,9%; đối với dầu diesel khoảng 3,2%; đối với dầu mazut khoảng 8,9%; đối với dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%.

Tuy nhiên, do xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trên diện rộng ngay cả khi không sử dụng nên việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; chuyển dần sang sản xuất, sử dụng sản phẩm, nhiên liệu thân thiện với môi trường, qua đó giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường.

Cụ thể, Bộ Tài chính tính toán, với mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đối với xăng gốc hóa thạch là 3.000 đồng/lít thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 thấp hơn mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng gốc hóa thạch là 150 đồng/lít.

Với mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng gốc hóa thạch dự kiến là 4.000 đồng/lít thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 thấp hơn mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng gốc hóa thạch là 200 đồng/lít. Từ đó, sẽ tạo thêm chênh lệch giữa giá xăng E5 và xăng gốc hóa thạch, góp phần khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng sinh học, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều mặt bằng giá sẽ tăng

Đánh giá về tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu dự thảo Nghị quyết về biểu thuế được thông qua chắc chắn sẽ khiến phí vận tải, cũng như giá mớ rau, quả trứng sẽ tăng lên. Điều này làm tăng thêm chi phí và người dân sẽ là người phải gánh chịu đầu tiên. Do vậy, việc tăng giá thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cần phải xem xét thận trọng đến hệ luỵ của nó.

Bởi trong bối cảnh hiện nay, thu nhập của người dân còn thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế do chi phí đầu vào quá lớn. Xăng dầu là yếu tố đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này tăng sẽ khiến giá tăng, gây hệ luỵ đáng ngại là giá nguyên liệu đầu vào cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Vài năm trở lại đây việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam tốt một phần là nhờ giá xăng dầu giảm. Nếu tăng phí bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ khiến lạm phát tăng lên. Hơn thế, năm nay mục tiêu là lạm phát dưới 4% trong khi tháng 1 chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,51%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. Bởi chúng ta đã cam kết hội nhập với nhiều điều khoản giảm thuế để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa. Do đó, nên tính cách khác để tăng nguồn thu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu tiền thuế thu được cho công tác bảo vệ môi trường.

Nếu dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường được thông qua, thì từ ngày 1/7/2018, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng 1.000 đồng, lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít; với dầu diesel là 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn tăng từ 900 đồng lên mức kịch khung 2.000 đồng/lít (kg). Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là thuế nhập khẩu giảm, giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước lân cận, cũng như để tăng nguồn thu cho ngân sách là chưa thuyết phục...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ