Tăng quyền cho Chính phủ chống dịch

GD&TĐ - Quốc hội Khóa XV quyết định sẽ bổ sung nội dung phòng, chống dịch vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất dù nội dung này không có trong dự kiến chương trình và Chính phủ cũng không đề xuất.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, Quốc hội sẽ giao Chính phủ, Thủ tướng được quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng chống dịch. Trong đó, bao gồm cả các biện pháp theo quy định được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh và giải pháp, biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với quy định của một số luật.

Chẳng hạn, Quốc hội sẽ cho phép Chính phủ quyết định chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho việc phòng chống dịch, tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt... nhằm có đủ nguồn lực cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Nghị quyết cũng sẽ có thông điệp, lời hiệu triệu của Quốc hội gửi đến toàn dân, toàn xã hội, kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất cao, đồng lòng cùng Chính phủ, lãnh đạo các địa phương và các lực lượng tuyến đầu tập trung sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang vô cùng phức tạp ở các tỉnh phía Nam, sự chủ động và quyết đáp đặc biệt của Quốc hội cho thấy tinh thần chung sức, đồng lòng với Chính phủ trong công cuộc chống dịch của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Động thái này cũng tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Chính phủ và người dân chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Hơn một năm rưỡi chống dịch, nhiều biện pháp chưa có tiền lệ đã giúp kiểm soát tình hình. Có thể thấy, hầu hết biện pháp đều được người dân đồng tình, đồng tâm thực hiện, qua đó hạn chế dịch bệnh lây lan nhưng chúng đều vượt khỏi khuôn khổ pháp luật hiện hành.

Dễ thấy nhất là chúng ta không thể tìm thấy trong các văn bản luật quy định về “giãn cách xã hội”, phong tỏa, cách ly tập trung hay đóng cửa sân bay, cửa khẩu… một số biện pháp căn cứ trên Luật Phòng, chống dịch bệnh năm 2007 không còn phù hợp.

Hoặc chúng ta có thể thấy các biện pháp trong Chỉ thị 15 và 16 hạn chế quyền tự do đi lại, quyền làm việc, quyền tự do kinh doanh và một số quyền con người, quyền công dân khác.

Trong khi đó, theo Hiến pháp năm 2013, quyền này chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Quy trình ban hành luật không đơn giản, đòi hỏi thời gian và sự chuẩn bị nhất định. Vì thế việc Quốc hội Khóa XV bổ sung nội dung phòng, chống dịch vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất là một phản ứng linh hoạt, kịp thời và cần thiết.

Tuy nhiên, về lâu dài, Chương trình nghị sự của Quốc hội Khóa XV cần ưu tiên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý - như nâng Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp lên thành luật; sửa Luật Phòng chống dịch bệnh - để vừa bảo đảm hiệu quả phòng chống dịch, vừa bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ