Tăng mức lương cơ sở cần tính toán và áp dụng đúng đối tượng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc tăng mức lương cơ sở cần tính toán và áp dụng đúng đối tượng để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh).

Kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề xuất phương án tăng mức lương cơ sở cho công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) – nhìn nhận, hiện nay chính sách tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức chưa tương xứng, mức thu nhập còn quá thấp.

Trong số hàng triệu cán bộ công chức, có thể một bộ phận nào đó tiền lương với họ không có ý nghĩa quá lớn nhưng số lượng này không nhiều. Đa số cán bộ công chức vẫn đang sống nhờ vào tiền thu nhập chính thức. Họ có nguyện vọng tập trung vào công vụ, sống được bằng thu nhập chính thức.

Thời gian qua, dù nhà nước đã tìm cách tăng thêm thu nhập nhưng mức lương của công chức, viên chức vẫn thấp hơn mức sống trung bình. Điều này khiến cuộc sống của nhiều công chức, viên chức rất khó khăn, nhất là tại những đô thị lớn.

Hiện nay, cán bộ công chức viên chức lương thấp nhưng lại chịu nhiều ràng buộc. Nếu để xảy ra sai phạm, sai sót dù không cố ý, không tham nhũng nhưng vì trách nhiệm vẫn phải xử lý. Trước những áp lực này, không ít công chức, viên chức đã xin nghỉ việc.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu).

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu).

Cũng theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, chuyện cán bộ công chức, viên chức “chân trong, chân ngoài” có từ lâu nhưng với những người có trách nhiệm và năng lực thì “chân ngoài sẽ không dài hơn chân trong”.

Hiện mức thu nhập của những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước không giống nhau. Một bộ phận công chức, viên chức có thâm niên ít nên lương hưu rất thấp. Những công chức, viên chức trẻ mức lương hàng tháng cũng không đủ sống.

Trong khi đó, một bộ phận khác dù đã về hưu nhưng mức lương vẫn rất cao. Do đó, việc tăng mức lương cơ sở cần tính toán và áp dụng đúng đối tượng để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, mục đích của tăng lương cơ sở là tăng thu nhập cho cán bộ công chức để họ có thể sống được bằng lương và chăm lo cho gia đình bằng tiền lương thu nhập chính thức từ cơ quan tổ chức.

Hiện nay, mức sống xã hội tăng cao, song tiền lương lại không theo kịp, vẫn thấp hơn nhiều so với mức sống tối thiểu. Việc tăng lương cơ sở là một trong những việc cần làm ngay, tức thời.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu).

Trước việc Quốc hội sẽ bàn và quyết định tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (áp dụng từ 1/7/2023); Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu) - cho biết: cử tri có nguyện vọng được thực hiện sớm và tăng lương cơ sở từ 1/1/2023. “Bên cạnh tăng lương cơ sở, cử tri kiến nghị cần có giải pháp bình ổn giá. Nếu như giá cả ổn định thì vấn đề tăng lương cơ sở mới có giá trị” - ông Thái nói.

Theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu), cử tri kiến nghị rất nhiều việc tăng lương. Trong đó, sớm tăng lương cơ sở để từng bước tháo gỡ khó khăn.

Ngoài ra, Chính phủ có chính sách thu hút chung cho cả nước và có đặc thù cho từng vùng miền, trong đó có lĩnh vực giáo dục và y tế. Qua đó nhằm không để mỗi nơi ban hành chính sách thu hút riêng. Bởi lẽ chăm sóc sức khỏe và giáo dục ở đâu cũng có nhu cầu như nhau, do đó cần có cơ chế chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ