Bên cạnh đó, xu hướng tự chủ đại học cũng khiến học phí một số cơ sở giáo dục đại học công lập tăng cao.
Có thể tăng gấp đôi
TPHCM đã công bố dự thảo nghị quyết về việc tăng học phí từ năm học 2022 - 2023. Theo dự thảo lấy ý kiến góp ý về mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn TPHCM, ngoài bậc tiểu học không thu học phí thì các bậc học khác sẽ tăng học phí. Ở bậc mầm non, trẻ nhà trẻ thuộc các quận TPHCM sẽ nâng học phí từ 200.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, mức tăng 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Mức tăng cao nhất là 240.000 đồng/tháng ở cấp THCS và Giáo dục thường xuyên THCS. Cụ thể, học sinh bậc THCS, GDTX THCS ở các quận sẽ đóng mức học phí từ 60.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 5 lần so với trước. Học sinh bậc THCS, GDTX THCS thuộc các huyện tại TPHCM đóng học phí từ 30.000 đồng/học sinh/tháng lên 70.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 40.000 đồng/học sinh/tháng.
Ở bậc THPT, học sinh thuộc các quận nội, ngoại thành TPHCM bậc THPT, GDTX THPT sẽ tăng từ 120.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng. Các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ bậc THPT, GDTX THPT sẽ tăng học phí từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 200.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 100.000 đồng/học sinh/tháng. Như vậy, học sinh bậc THCS, GDTX THCS ở các quận, TP Thủ Đức có mức tăng cao nhất nếu dự thảo này được thông qua.
Tương tự, tỉnh Cà Mau đã thống nhất mức học phí năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023, trong đó có cả mức thu theo 2 hình thức học trực tiếp và học trực tuyến. Theo đó, trong năm học 2021 - 2022, mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp tại các phường thuộc TP Cà Mau và thị trấn thuộc các huyện từ 67.000 đồng/học sinh/tháng đến 89.000 đồng/tháng; tại các xã từ 33.000 đồng/tháng đến 46.000 đồng/tháng, tùy cấp học.
Trong năm học 2022 - 2023, mức thu học phí học trực tiếp tại các phường thuộc TP Cà Mau và thị trấn thuộc các huyện từ 300.000 đồng/tháng đến 400.000 đồng/tháng; tại các xã từ 100.000 đồng/tháng đến 200.000 đồng/tháng. Đồng thời, tỉnh Cà Mau cũng đưa ra quy định đối với hình thức học trực tuyến, mức thu học phí của các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, giáo dục thường xuyên bằng 70% mức thu quy định khi học trực tiếp.
Ở bậc đại học, nhiều trường cũng đồng loạt công bố tăng học phí. Đơn cử, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến mức học phí năm học tới là 42 triệu đồng so với mức học phí 35 triệu đồng của khóa tuyển sinh năm 2021. Trong ba năm tiếp theo, trường tiếp tục tăng học phí thêm 2 triệu đồng mỗi năm.
Khối trường y dược vốn có mức học phí cao hơn các khối ngành khác, mức tăng lại càng cao hơn. Theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), dự kiến mức học phí cho khóa tuyển sinh năm 2022 cao nhất có thể lên đến 44,368 triệu đồng đồng/năm với nhóm ngành Y khoa, Dược học, Răng-Hàm-Mặt và 41 triệu đồng/năm với nhóm ngành đào tạo còn lại.
Đúng lộ trình nhưng cần linh hoạt
Trao đổi trên truyền thông về việc điều chỉnh học phí, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: Dự thảo Nghị quyết mức thu học phí được TPHCM thực hiện đúng theo các cơ sở pháp lý về Luật Giáo dục 2019 và quy định của Chính phủ, mới trình HĐND TPHCM.
Dự thảo được xây dựng theo nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế hàng năm, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, đại diện Sở GD&ĐT TPHCM cũng cho rằng, tỷ lệ đầu tư ngân sách chi thường xuyên hằng năm của TPHCM hơn 20% nhưng vẫn chỉ đảm bảo cơ bản chế độ cho đội ngũ; tỷ lệ đầu tư cho cơ sở vật chất và hoạt động chuyên môn rất khiêm tốn, đòi hỏi phải giải quyết từ học phí mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập hiện nay.
Theo ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Quận 8, TPHCM, thông qua ý kiến góp ý, về cơ bản các trường đồng tình với lộ trình tăng học phí của dự thảo. Tuy nhiên, đại diện nhiều đơn vị cũng cho rằng cần có phương án hỗ trợ cho gia đình khó khăn.
Trong bối cảnh vật giá tăng như hiện nay, chi phí cho tổ chức và quản lý hoạt động dạy học tại các cơ sở giáo dục chắc chắn sẽ tăng lên. Điều này dẫn tới việc các trường gặp không ít khó khăn để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Chia sẻ điều này, PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhìn nhận: Ngoài việc tăng ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước, tăng học phí cũng là một trong những giải pháp giúp cơ sở giáo dục thuận lợi trong tổ chức hoạt động dạy học. Tuy nhiên, phụ huynh cũng chịu sự tác động không nhỏ bởi giá cả thị trường. Do đó, học phí có thể tăng nhẹ hoặc tăng theo lộ trình giúp phụ huynh thích ứng dần với những thay đổi về tài chính. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, để việc tăng học phí không ảnh hưởng đến việc học của các em.