Tăng cường vai trò trường ĐH, CĐ trong Kỳ thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Mấy năm gần đây, Kỳ thi THPT quốc gia đều có sự phối hợp hiệu quả giữa các Sở GD&ĐT và trường ĐH, CĐ. Năm 2019, để tăng cường tính khách quan, nghiêm túc, vai trò của trường ĐH, CĐ sẽ được tăng cường hơn nữa trong công tác tổ chức kỳ thi quan trọng này.

Tăng cường vai trò trường ĐH, CĐ trong Kỳ thi THPT quốc gia

Trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm

Sự tăng cường vai trò của các trường ĐH, CĐ thể hiện rõ trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Theo dự thảo, trách nhiệm của cán bộ các trường ĐH, CĐ trong tổ chức thi và bảo mật đề thi, bài thi được tăng cường hơn. Đơn cử, nhãn niêm phong tủ đựng đề thi, bài thi phải có đủ chữ ký của Trưởng điểm và Phó Trưởng điểm là người của trường ĐH, CĐ phối hợp. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong. Phòng bảo quản đề thi, bài thi có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày. Có ít nhất 1 công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và 1 cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường ĐH, CĐ (Phó Trưởng điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi.

Đặc biệt, năm nay, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các Hội đồng thi. Trưởng Ban Chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo trường ĐH. Phó Trưởng Ban Chấm thi trắc nghiệm do lãnh đạo các phòng, ban thuộc trường ĐH. Tổ trưởng Tổ Thư ký chấm thi do một Phó Trưởng ban kiêm nhiệm, các thành viên là cán bộ, giảng viên của trường ĐH. Tổ trưởng Tổ Chấm bài thi trắc nghiệm là Phó Trưởng Ban Chấm thi trắc nghiệm thường trực đảm nhiệm, các thành viên là cán bộ kỹ thuật của trường ĐH và không quá 2 cán bộ kỹ thuật được huy động từ các Sở GD&ĐT không thuộc địa phương có bài thi được chấm (nếu trường ĐH có yêu cầu)… Bộ GD&ĐT thực hiện thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của Ban Chấm thi trắc nghiệm theo quy định của Quy chế.

Đặc biệt, dự thảo Quy chế cũng quy định, các trường ĐH địa phương không làm công tác thi tại địa phương mình. Đây là điều chỉnh đáng chú ý so với những năm trước đây.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) – qua thực tiễn tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, điều chỉnh tăng cường thêm vai trò của trường ĐH nhận được sự ủng hộ rất cao. Thậm chí nhiều Sở GD&ĐT còn đề nghị giải pháp mạnh hơn là để cho trường ĐH tham gia sâu hơn nữa vào các khâu của kỳ thi. “Tuy nhiên, qua căn chỉnh các điều kiện cụ thể, chúng tôi thấy rằng, những gì đưa vào dự thảo Quy chế hiện nay là hợp lý và được sự ủng hộ của các trường ĐH cũng như các Sở GD&ĐT” - ông Mai Văn Trinh chia sẻ.

Nâng cao vai trò của địa phương

Trả lời câu hỏi: Vai trò của trường ĐH được đẩy mạnh trong dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, điều này có mâu thuẫn với việc các trường ĐH muốn tự chủ tuyển sinh nhưng còn lấn cấn quá nhiều vào Kỳ thi THPT quốc gia, ông Mai Văn Trinh khẳng định: Việc các trường tham gia kỳ thi không hề ảnh hưởng đến câu chuyện tự chủ trong tuyển sinh. Bởi, các trường ĐH, CĐ được xây dựng đề án tuyển sinh và sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia ở mức độ nào là quyền của các trường. “Các trường ĐH, CĐ tham gia tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia vừa là nhiệm vụ chính trị, nhưng đồng thời cũng phục vụ lợi ích của chính nhà trường.

Vì thực tế hiện nay, tuyệt đại đa số cơ sở giáo dục ĐH vẫn đang sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Tham gia góp phần đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc hơn, kết quả tin cậy hơn, cũng có nghĩa là đầu vào của các trường tin cậy hơn. Do đó, việc các trường ĐH tham gia vào kỳ thi là hợp lý và thực tế cho thấy, phần lớn trường ĐH sẵn sàng tham gia kỳ thi này – ông Mai Văn Trinh chia sẻ.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng đồng thời thông tin thêm: Các cơ sở giáo dục ĐH khi về địa phương làm công tác thi cũng tranh thủ giới thiệu hình ảnh của trường mình với địa phương. Không chỉ vậy, nhiều trường còn có những hỗ trợ về vật chất, tinh thần với học sinh vùng khó. Mặc dù năm 2019, vai trò của các trường ĐH, CĐ trong tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia được tăng thêm một bước, nhưng ông Mai Văn Trinh cũng nhấn mạnh: Trách nhiệm của địa phương cũng phải được đặt lên rất cao. Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức đặt dưới dự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, nhưng người chịu trách nhiệm trực tiếp là Ban Chỉ đạo thi tại các tỉnh, thành phố.

Ông Mai Văn Trinh bày tỏ hy vọng, mong muốn và cũng có niềm tin là nếu các địa phương thực hiện đúng theo quy định của Quy chế, đúng quy trình kĩ thuật, đúng quy trình tổ chức thì sẽ tổ chức thành công Kỳ thi THPT quốc gia. Đồng thời nhấn mạnh thêm: Quy chế dù chặt chẽ đến mấy, quy trình tường minh đến bao nhiêu, nhưng nếu con người không tự giác, đặc biệt khi có ý định từ đầu, thậm chí có tổ chức để gian lận thì rất khó. “Nên chúng ta không được phép chủ quan” – ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Ngoài điểm mới là tăng cường vai trò của các trường ĐH, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 còn có điểm mới đáng chú ý là tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT; tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh ĐH, CĐ.

Theo đó, dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT cộng 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh cộng điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Ngoài ra, thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi tại một số điểm thi cùng với thí sinh giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi và do Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định. Tại các điểm thi đó, việc lập danh sách để sắp xếp phòng thi (không phân biệt thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên hay học sinh phổ thông) được trộn chung theo vần ABC với sự trợ giúp của phần mềm…

Cùng với việc xây dựng Quy chế, chúng tôi xây dựng văn bản hướng dẫn kèm theo. Hiện nay, văn bản hướng dẫn đã hoàn thành. Sau khi ban hành Quy chế chính thức, chúng tôi cũng sẽ công bố ngay hướng dẫn; tháng 3/2019 tiến hành tập huấn cho các địa phương, các trường ĐH; bắt đầu từ ngày 1/4/2019, các thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019. - Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ