Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Nhằm phát huy vai trò gia đình trong mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội để giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ GD&ĐT đã triển khai các giải pháp sau:
Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020 quy định nhiệm vụ và quyền của người học; quy định trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục (Điều 90).
Ban hành Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 ban hành Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh; Chỉ thị số 71/2008/CT-BGDĐT ngày 23/12/2008 về tăng cường phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên, trong đó có quy định các nhà trường phải thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình, cơ quan, tổ chức, đoàn thể có liên quan để kịp thời xử lý thông tin thường xuyên, đột xuất liên quan đến học sinh, sinh viên.
Ban hành Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT ngày 12/4/2019 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, trong đó có quy định việc tăng cường mối quan hệ giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong việc giáo duc đạo đức học sinh, phòng chống bạo lực học đường như: Tổ chức ký cam kết phối hợp hằng năm giữa gia đình học sinh với cơ sở giáo dục về việc quản lý, giáo dục học sinh. Thường xuyên thông tin hai chiều giữa cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường và thống nhất biện pháp giáo dục học sinh; hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.
Triển khai Luật Giáo dục năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật và ban hành các văn bản theo thẩm quyền, trong đó quy định công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên.